Ấn Độ, Indonesia triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc

Bộ Nông nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh việc tiêm vaccine Lumpi-ProVac Ind sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục gây ra trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trong gia súc tại nước này.
Ấn Độ, Indonesia triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc ảnh 1Một con bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 10/8, chính phủ Ấn Độ thông báo triển khai tiêm vaccine do nước này sản xuất phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò.

Vaccine có tên Lumpi-ProVac Ind do hai viện thuộc Hội đồng nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICR) phát triển.

Bộ Nông nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh việc tiêm vaccine Lumpi-ProVac Ind sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục gây ra trong bối cảnh bệnh này đang bùng phát trong gia súc tại nhiều bang của nước này.

Ước tính, tại Ấn Độ có khoảng 300 triệu con gia súc. Bệnh viêm da nổi cục, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh ở người.

Trâu, bò mắc bệnh này thường có những biểu hiện sốt cao, có thể trên 41 độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu.

Trâu bò mắc bệnh giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ năm 2019 và hiện đang lây lan ở các bang Punjab, Himachal Pradesh, Uttarakhand, Andaman và Nicoba.

[Sớm duyệt kinh phí mua vaccine phòng dịch viêm da nổi cục cho gia súc]

Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Indonesia phụ trách ứng phó với bệnh lở mồm long móng (FMD), ông Wiku Adisasmito cho biết nước này đặt mục tiêu đến cuối năm nay xóa sổ hoàn toàn bệnh FMD thông qua việc tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc.

Theo ông Wiku Adisasmito, số gia súc mắc FMD tại Indonesia đã có chiều hướng giảm và chính phủ kỳ vọng có thể kiểm soát được tình hình vào cuối năm nay.

Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết tính đến ngày 10/8, đã có 1.286.550 gia súc được tiêm vaccine phòng FMD.

Sáu khu vực tại Indonesia đã tuyên bố không ghi nhận trường hợp gia súc mắc mới FMD, trong đó có Bali, Quần đảo Riau, Jakarta và Nam Kalimantan.

Bên cạnh việc tiêm phòng, chính phủ Indonesia cũng đang thực hiện các biện pháp khác như đảm bảo an toàn sinh học, điều trị, xét nghiệm gia súc và siết chặt việc giết mổ gia súc nhằm không chế dịch lây lan.

Thống kê cho thấy đến nay, 24 trong số 37 tỉnh tại Indonesia đã ghi nhận các trường hợp gia súc mắc bệnh FMD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục