Anh cảnh báo khởi động giải quyết tranh chấp về quyền đánh bắt cá

Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và đưa ra cảnh báo đối với một tàu khác vào sáng 28/10, sau khi Paris cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa đối với ngành đánh bắt cá của Anh.
Anh cảnh báo khởi động giải quyết tranh chấp về quyền đánh bắt cá ảnh 1Các thuyền đánh cá Pháp trên vùng biển ngoài khơi đảo Jersey của Anh ngày 6/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vương quốc Anh ngày 29/10 đe dọa sẽ khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp và kiểm tra hoạt động đánh bắt của Liên minh châu Âu (EU) trong lãnh hải nước này, nếu Paris thực hiện các lệnh trừng phạt chống lại London vào ngày 2/11 tới.

Tuyên bố trên được người phát ngôn của chính phủ Anh đưa ra sau khi Bộ trưởng Brexit của Anh - ông David Frost có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic tại London.

Theo người phát ngôn của chính phủ Anh, Bộ trưởng Frost đã bày tỏ quan ngại về "các biện pháp phi lý" mà Pháp công bố hồi đầu tuần này, nhấn mạnh rằng các biện pháp này sẽ làm gián đoạn hoạt động đánh bắt cá của Anh và các hoạt động thương mại khác, đe dọa nguồn cung cấp năng lượng và ngăn cản sự hợp tác hơn nữa giữa Anh và EU.

Quyền đánh bắt cá trên các vùng biển của Anh thời hậu Brexit đã khiến mối quan hệ giữa London và Paris trở nên căng thẳng.

Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và đưa ra cảnh báo đối với một tàu khác vào sáng 28/10, sau khi Paris cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa đối với ngành đánh bắt cá và các hoạt động thương mại khác của Anh.

Ngày 29/10, trong một phát biểu với báo giới trên chuyến bay tới Rome (Italy) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của Vương quốc Anh trong tranh chấp về quyền đánh bắt cá, tuy nhiên ông vẫn nhắc lại sức mạnh lịch sử của mối quan hệ song phương với Pháp.

[EU và Anh cần thời gian để đàm phán về Nghị định thư Bắc Ireland]

Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo lợi ích của Vương quốc Anh. Mối quan hệ gắn kết chúng ta (Anh và Pháp) còn mạnh mẽ hơn nhiều so với những sóng gió hiện tại."

Ngoài tranh chấp về quyền đánh bắt cá, Bộ trưởng David Frost và Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic cũng đã trao đổi về Nghị định thư Bắc Ireland.

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết mặc dù các cuộc đàm phán giữa Anh-EU về Nghị định thư Bắc Ireland trong tuần thứ hai "đã mang tính xây dựng, nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể giữa hai bên."

Người phát ngôn nêu rõ: "Các đề xuất của EU thể hiện một bước tiến đáng hoan nghênh, nhưng chưa thể giải phóng hàng hóa giữa Anh và Bắc Ireland ở mức độ cần thiết cho một giải pháp lâu dài." Theo kế hoạch, hai bên sẽ gặp lại nhau tại Brussels vào tuần tới để bàn thảo thêm về vấn đề này.

Anh và EU coi việc điều chỉnh nghị định thư là một giải pháp lâu dài cho tình trạng gián đoạn thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland. Anh đã phác thảo các đề xuất của mình trong một bài báo của chính phủ vào tháng 7 vừa qua - một động thái được giới quan sát xem là một cuộc đàm phán lại về giao thức.

Đáp lại, EU cũng đã đưa ra những điều chỉnh của mình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland, bao gồm cắt giảm các thủ tục hải quan, đơn giản hóa chứng nhận và giảm 80% các thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa bán lẻ cho người tiêu dùng Bắc Ireland.

EU khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung cấp thuốc men dành cho người dân Bắc Ireland không bị gián đoạn, thông qua việc thay đổi các quy tắc của liên minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục