Ảnh hưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ xoay quanh các lĩnh vực như thuận lợi hóa đầu tư, công nghệ và tiêu chuẩn kinh tế số, phục hồi chuỗi cung ứng, khử carbon và năng lượng sạch.
Ảnh hưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ đang xem xét hình thức của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là một sáng kiến thương mại và kinh tế quan trọng. Khung chiến lược này sẽ xoay quanh các lĩnh vực như thuận lợi hóa đầu tư, công nghệ và tiêu chuẩn kinh tế số, phục hồi chuỗi cung ứng, khử carbon và năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn lao động…

Tháng 11/2021, trong chuyến công du các nước châu Á, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, Mỹ sẽ không quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà có thể khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào đầu năm 2022, thông qua phương thức vượt trội hơn các hiệp định thương mại truyền thống để tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực.

Ngoài ra, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell hồi tháng Một cũng cho hay rằng Mỹ sẽ tăng cường tiếp xúc kinh tế với các nước châu Á trong năm 2022.

Có thể dự đoán, Mỹ chuẩn bị tập trung thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dồn lực cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế.

Ý đồ chiến lược của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ nhất, đặt nền tảng kinh tế cho Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở châu Á. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy trở thành công cụ quan trọng để Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, các hành động của Mỹ lúc đó bao gồm việc rút khỏi CPTPP lại hạ thấp hiệu lực của bộ công cụ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận thức sâu sắc Mỹ muốn triển khai kiềm chế có hiệu quả đối với Trung Quốc, thì phải có một chiến lược kinh tế và thương mại đồng bộ và hoàn thiện.

[Tìm hiểu chính sách kinh tế của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Do đó, đồng thời với kế thừa Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền của ông Joe Biden chú ý đến vai trò quyết định của việc sử dụng cơ sở kinh tế hạ tầng đối với xây dựng chiến lược thượng tầng.

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do mà Mỹ thúc đẩy mang lại hiệu năng kinh tế và cơ sở vật chất cần thiết cho Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chiến lược chống Trung Quốc, cũng như mang đến phương án thay thế kinh tế cho các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác để hạ thấp sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Á.

Thứ hai, giải quyết các vấn đề gây nhiễu dài hạn của Mỹ như chuyển giao công nghệ, phụ thuộc sản xuất… Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ liên quan đến một số lĩnh vực then chốt như kinh tế số, phục hồi chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu…

Điều này đồng nghĩa khung chiến lược này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường quản lý giám sát đối với xuất khẩu để tránh rò rỉ công nghệ then chốt.

Về phương diện tiêu chuẩn sản xuất, Mỹ luôn không hài lòng với “chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số” của Trung Quốc như chính sách trợ cấp, kiểm duyệt Internet và hạn chế lưu chuyển luồng dữ liệu…, trong khi những vấn đề này cũng đang gặp vướng mắc chưa được giải quyết trong các khung đa phương bao gồm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mỹ cần phải “đập đi xây lại,” thông qua phát huy “hiệu ứng Brussels” (năng lực sử dụng sức mạnh thị trường của mình để đơn phương điều tiết thị trường toàn cầu), thiết lập lại quy tắc và tiêu chuẩn kiểu Mỹ để ràng buộc các nước khác, đặc biệt là công nghệ, thương mại của Trung Quốc.

Về phương diện ổn định chuỗi sản xuất, tính lâu dài của đọ sức chiến lược Mỹ-Trung và tính dễ bị tổn thương của ngành công nghiệp do dịch bệnh gây ra khiến Mỹ cân nhắc thiết lập một chuỗi sản xuất phương Tây “phi Trung Quốc hóa” trong nội bộ liên minh. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là đột phá khẩu và khởi điểm then chốt để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, giải quyết các vấn đề như “lực cản chính trị trong nước,” “chia rẽ chính trị khu vực,” “thiếu phối hợp quốc tế.”

Trong bối cảnh chính trị phân cực, mâu thuẫn giữa hai đảng gay gắt và sức ép bầu cử giữa nhiệm kỳ của Chính quyền của ông Joe Biden gia tăng, việc các hiệp định thương mại tự do truyền thống được Quốc hội Mỹ thông qua và thực hiện là điều không hề dễ dàng.

Theo bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á, Chính phủ Mỹ cần phải ban hành các biện pháp cụ thể vượt qua đối thoại, nguyên tắc và thực tiễn tốt nhất, chứ không phải là các thỏa thuận khả thi để sửa đổi luật pháp Mỹ.

Chính quyền của ông Joe Biden cũng nhận thức được lực cản chính trị trong nước đang đè nặng lên chương trình nghị sự thương mại toàn cầu và khu vực, cũng như chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ.

Do đó, khi đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố rõ Mỹ sẽ không áp dụng hình thức của hiệp định thương mại tự do điển hình.

Ngoài ra, các phương pháp như “tiểu đa phương” mà Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể áp dụng, ở mức độ nhất định nào đó có thể giải quyết tình cảnh khó khăn hành động tập thể gây nên từ chương trình nghị sự chính trị phức tạp và đồ sộ ở trong lẫn ngoài nước.

Ảnh hưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ nhất, thay đổi tình trạng “an ninh dựa vào Mỹ, kinh tế dựa vào Trung Quốc,” bóp nghẹt sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước xung quanh.

Ở khu vực châu Á, luôn tồn tại tình trạng “an ninh dựa vào Mỹ, kinh tế dựa vào Trung Quốc,” điều này khiến cho chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc nhiều lần bị thất bại do sự phụ thuộc kinh tế của các nước khác vào Trung Quốc.

Đặc biệt, cùng với việc Trung Quốc gia nhập các hiệp định khu vực quan trọng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và CPTPP…, Mỹ ngày càng cảm thấy không hài lòng đối với sự phát triển tốc độ nhanh của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc với các nền kinh tế châu Á khác.

Thông qua đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà không phải các biện pháp thương mại đơn giản, Mỹ chú trọng các khía cạnh như chất lượng, hiệu lực, chiến lược… để tăng cường kiềm chế sức lan tỏa kinh tế của Trung Quốc đối với các nước châu Á, cũng như tăng cường lôi kéo mạnh mẽ các nước Ấn Độ Dương Dương-Thái Bình Dương trên phương diện kinh tế.

Thứ hai, các quốc gia như Ấn Độ, ASEAN… có thể tránh tình huống “chọn bên khó xử,” tự do tăng cường hợp tác với Mỹ.

Chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ khiến cho các quốc gia châu Á như Ấn Độ, ASEAN… rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự kinh tế thường rất ít mang màu sắc đối kháng chính trị hoặc ngoại giao, dễ được các nước trung lập và nước lớn chấp nhận hơn.

Nguyên nhân là vì hợp tác kinh tế phần nhiều được coi là hành vi hợp pháp mang màu sắc trung lập của quốc gia được thực hiện xuất phát từ lợi ích của mình.

Đồng thời, trong bối cảnh các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đặc biệt thận trọng với các tổ chức an ninh/chính trị như đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad), quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes)…, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể ngầm tăng cường sự phối hợp chiến lược, cũng như mục đích cân bằng/kiềm chế Trung Quốc.

Thứ ba, thông qua tích hợp đồng minh và nguồn lực, hình thành một “chuỗi giá trị/chuỗi sản xuất Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “cấu trúc quyền lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” loại trừ Trung Quốc.

Quá trình cải cách chủ nghĩa tự do mới trong mấy thập niên qua đã làm rỗng nền tảng ngành công nghiệp của Mỹ, làm suy yếu năng lực lan tỏa sức mạnh kinh tế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để tối đa hóa việc mở rộng dấu chân của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền của ông Joe Biden đã áp dụng hành động trên ba phương diện.

Một là phát động chương trình “Made in America” (Sản xuất tại Mỹ) để chấn hưng ngành sản xuất trong nước. Hai là phối hợp với các quốc gia cùng chí hướng khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng để đầu tư vào Đông Nam Á. Ba là thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do kỹ thuật số để tăng cường quan hệ kinh tế với các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính là sự nâng cấp và tổng hợp đối với ba chương trình trên. Mỹ muốn tích hợp sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” (Blue Dot Network - BDN), Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World - B3W), đồng thời đưa các yếu tố then chốt như tiêu chuẩn công nghệ/thương mại, quan hệ đối tác… vào trong khung kinh tế này.

Mục tiêu của Washington là thực hiện sự tương tác giữa chấn hưng ngành sản xuất Mỹ, gắn kết đối tác liên minh và liên kết kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hình thành một “chuỗi giá trị/chuỗi sản xuất Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “cấu trúc quyền lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” loại trừ Trung Quốc.

Tóm lại, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không giống với các biện pháp chính trị, an ninh truyền thống của Mỹ. Việc đưa ra khung kinh tế này vừa là một trong những biện pháp quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt yếu tố kinh tế của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vừa là biện pháp then chốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước và khu vực của các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cùng với sự thúc đẩy nhanh chóng và linh hoạt của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ đồng thời đối diện với rủi ro kép về mối đe dọa an ninh và tách rời kinh tế ở khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do đó Trung Quốc có thể cần khẩn trương đẩy mạnh triển khai chiến lược và điều chỉnh chính sách trên các phương diện như chiều sâu kinh tế và chiến lược kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục