Ngày 8/3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) Andrew Bailey nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra sẽ ít để lại những “vết sẹo” lâu dài hơn so với các cuộc suy thoái trước đó.
Anh, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, phải hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển do ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, nước Anh hy vọng sẽ đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường sớm hơn dự kiến ban đầu.
Bất chấp việc phải phong tỏa xã hội ba lần trong một năm, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo rằng nền kinh tế nước này sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2022, sớm hơn sáu tháng so với dự báo ban đầu.
[Anh hướng tới nỗ lực phục hồi kinh tế trong năm 2021]
Ông Bailey cho biết, một số tác động lên nguồn cung liên quan trực tiếp đến việc hạn chế hoạt động xã hội. Theo ông, tình hình này có thể chỉ là tạm thời và sẽ bắt đầu đảo ngược khi triển vọng về y tế được cải thiện.
Trước cuộc họp chính sách của BoE vào tuần tới, Bailey cho biết nền kinh tế Anh phải đối mặt với áp lực từ "cả hai phía." Lo ngại rằng tình hình dịch bệnh xấu đi có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, trong khi sự bùng nổ hoạt động kinh tế với triển vọng khủng hoảng COVID-19 được cải thiện lại có thể kích hoạt tình trạng lạm phát.
Lo ngại lạm phát gia tăng đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu, đẩy tỷ lệ lãi suất tăng cao. BoE đang xem xét khả năng áp dụng lãi suất âm trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư, một biện pháp chưa từng được sử dụng trước đây ở Anh.
Ông Bailey cũng đang xem xét "thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần thiết" trong nỗ lực hạn chế lạm phát./.