Australia không loại trừ khả năng bổ sung các biện pháp hạn chế

Thủ tướng Morrison khẳng định Chính phủ Australia sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược cân bằng khi kết hợp các nỗ lực ngăn chặn đại dịch với duy trì hoạt động kinh tế.
Australia không loại trừ khả năng bổ sung các biện pháp hạn chế ảnh 1Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã khẳng định tầm quan trọng của việc áp lệnh phong tỏa tại bang Victoria do số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại đây tăng nhanh, đồng thời không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế bổ sung.

Phát biểu trên Đài Phát thanh Melbourne, Thủ tướng Morrison khẳng định Chính phủ Australia sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược cân bằng khi kết hợp các nỗ lực ngăn chặn đại dịch với duy trì hoạt động kinh tế.

Chính phủ sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là tại thành phố Melbourne.

Ông cũng kêu gọi người dân tự bảo vệ bằng cách thực hiện các biện pháp cách giãn cách xã hội, rửa tay, tải ứng dụng truy vết Covidsafe và đeo khẩu trang tại bang Victoria.

Về phần mình, Bộ trưởng Y tế liên bang Australia Greg Hunt khẳng định Australia đang nghiêm túc chống dịch hơn bao giờ hết để ngăn dịch bệnh lây lan sang các khu vực còn lại của bang Victoria và nhiều vùng khác của đất nước.

Cùng ngày, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết hiện chính quyền bang chưa có kế hoạch ban bố các hạn chế nghiêm ngặt hơn, nhưng không loại trừ khả năng này nếu người dân không tuân thủ các quy định hiện nay và số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Trong khi đó, Giám đốc y tế bang Brett Sutton đánh giá dù số ca nhiễm mới đã có sự ổn định, song số ca tử vong sẽ tại bang Victoria sẽ có chiều hướng tăng lên trong thời gian tới.

Trong 10 ngày qua, bang Victoria liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức trên 200 ca/ngày. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện tại các khu nhà công cộng, trại dưỡng lão và trường học.

Đáng chú ý, trong ngày 14/7, bang này phát hiện thêm 238 ca nhiễm trong 24 giờ qua, mức cao thứ tư kể từ khi đại dịch bùng phát.

Do số ca nhiễm tăng nhanh, bang Victoria đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia kể từ tuần trước. Ước tính khoảng 5 triệu người dân tại Melbourne được yêu cầu ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài để đi làm, học tập, khám bệnh, tập luyện hoặc mua những món đồ thiết yếu.

Cảnh sát bang Victoria đã tăng cường kiểm tra hàng nghìn nhà ở, doanh nghiệp và các địa điểm công cộng. Trong sáu ngày của chiến dịch lần này, cảnh sát bang Victoria đã xử lý 500 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới 902.000 AUD (631.000 USD).

Những người chơi Pokemon hay thực khách tại chuỗi cửa hàng ăn nhanh KFC cũng nằm trong số hàng trăm người bị phạt kể từ khi thành phố Melbourne bước giai đoạn phong tỏa lần hai.

Dù đã đóng cửa với bang Victoria, nhà chức trách bang New South Wales vẫn ghi nhận thêm 13 ca mắc COVID-19 trong ngày 14/7, phần lớn liên quan đến ổ dịch tại khách sạn Crossroads thuộc khu vực Casula ở thành phố Sydney. Chính quyền bang NSW đang tích cực truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Theo thống kê, trên toàn Australia hiện có khoảng 10.500 ca nhiễm và 111 ca tử vong.

[10.250 ca mắc COVID-19, Australia siết chặt các hạn chế đi lại]

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đại học New South Wales (UNSW), một trong tám trường đại học tốp đầu của Australia, thông báo sẽ cắt giảm 493 nhân viên, giảm 25% số cán bộ quản lý và đóng cửa 2/8 cơ sở trong nỗ lực tái cấu trúc để duy trì hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Phó Hiệu trưởng UNSW Ian Jacobs nêu rõ số nhân viên mất việc làm nói trên tương đương 7,5% tổng số nhân viên của UNSW và nguồn vốn dự trữ sẽ được thu hẹp xuống còn 115 triệu AUD (tương đương 78,2 triệu USD). Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ chỉ được thực hiện khi UNSW không còn lựa chọn nào khác.

Theo Giáo sư Jacobs, từ đầu năm nay, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, đội ngũ lãnh đạo cấp cao của UNSW đã thống nhất tự cắt 20% thu nhập trong năm và 1.000 nhân viên khác cũng tự nguyện giảm trừ lương để hỗ trợ nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, những quyết định đó cũng không đủ để UNSW có thể "chống đỡ" với đại dịch.

Cũng giống như phần lớn các trường đại học danh tiếng của Australia, hơn 30% sinh viên của UNSW đến từ nước ngoài, mang lại nguồn doanh thu khổng lồ hàng năm cho tổ chức giáo dục này.

Đại dịch COVID-19 bùng phát bất ngờ đã khiến cho nhiều sinh viên quốc tế "mắc kẹt" tại nước của họ và nhiều người khác quyết định dừng việc học để trở về quê hương. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của UNSW, mặc dù trường đã chuyển gần như toàn bộ các chương trình học sang hình thức đào tạo trực tuyến.

Ban lãnh đạo UNSW ước tính doanh thu năm 2020 của trường sẽ giảm khoảng 400 triệu AUD (272 triệu USD) và 370 triệu AUD (gần 252 triệu USD) trong năm 2021.

UNSW hy vọng một số lượng lớn sinh viên quốc tế đã đăng ký tham gia các khóa học trực tuyến và chấp nhận trả chi phí, cùng với việc nhu cầu học tập từ sinh viên nội địa có xu hướng tăng cao, sẽ cứu UNSW khỏi "thảm họa" COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục