Australia tìm thấy viên nang chứa chất phóng xạ thất lạc

Viên bạc có kích thước 8x6mm chứa chất phóng xạ Caesium-137 đã thất lạc trong quá trình vận chuyển từ phía Bắc thị trấn hẻo lánh Newman tới vùng ngoại ô phía Bắc thành phố Perth.
Australia tìm thấy viên nang chứa chất phóng xạ thất lạc ảnh 1Viên nang chứa chất phóng xạ Caesium-137 vừa được tìm thấy. (Nguồn: DFES)

Cơ quan dịch vụ khẩn cấp bang Tây Australia ngày 1/2 thông báo lực lượng chức năng nước này đã tìm thấy viên nang chứa chất phóng xạ bị thất lạc ở một vùng hẻo lánh của nước này, sau gần một tuần tìm kiếm dọc theo 1.400km đường cao tốc.

Phát biểu tại họp báo, lãnh đạo cơ quan dịch vụ khẩn cấp bang Tây Australia, ông Stephen Dawson cho biết quân đội đang tiến hành xác minh và sẽ đưa viên nang đến một cơ sở được đảm bảo an toàn tại thành phố Perth vào ngày 2/2.

Theo ông Dawson, nếu xét phạm vi tìm kiếm thì việc định vị viên nang này là một thách thức lớn, có thể xem như "mò kim đáy bể."

[Australia: Rio Tinto điều tra vụ thất lạc viên nang chứa chất phóng xạ]

Viên nang nói trên là một bộ phận trong máy đo mật độ quặng sắt từ mỏ Gudai-Darri do tập đoàn khai mỏ lớn nhất Australia - Rio Tinto - triển khai tại vùng Kimberley thuộc bang Tây Australia.

Theo Sở Cứu hỏa và Cấp cứu bang Tây Australia (DFES), viên bạc có kích thước 8x6mm chứa chất phóng xạ Caesium-137 đã thất lạc trong quá trình vận chuyển từ phía Bắc thị trấn hẻo lánh Newman tới vùng ngoại ô phía Bắc thành phố Perth. Quãng đường này được cho là dài hơn chiều dài của nước Anh.

Các quan chức của cơ quan phản ứng khẩn cấp bang Tây Australia, cơ quan quốc phòng, chuyên gia bức xạ và những đơn vị khác đã đẩy mạnh tìm kiếm viên nang được cho là thất lạc từ 2 tuần trước đây.

Chất phóng xạ Cesium-137 có chu kỳ bán rã vật lý khoảng 30 năm, đồng nghĩa sẽ vẫn còn phóng xạ và có thể được phát hiện trên mức bức xạ nền tự nhiên ngoài môi trường trong khoảng 300 năm.

Nó phát ra bức xạ beta và gamma - vốn được sử dụng trong quá trình xạ trị.

Cho dù nguy cơ đối với cộng đồng dân cư tương đối thấp, nhưng DFES cảnh báo nguy cơ bị bỏng phóng xạ hoặc nhiễm độc nếu chạm tay vào vật thể chứa chất phóng xạ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục