Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ: Thống nhất quy định về đi lại của người dân

Người dân có nhu cầu di chuyển ra khỏi địa bàn huyện, thị xã, thành phố cần đăng ký với UBND cấp xã, phường, thị trấn (nơi đi) và đến nơi phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn (nơi đến).
Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ: Thống nhất quy định về đi lại của người dân ảnh 1Lực lượng công an Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra giấy đi đường của người dân tại một chốt "vùng xanh" ở huyện Châu Đức. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 24/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh đã ký Công văn số 13563/UBND-VP về thống nhất việc đi lại của người dân giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, việc đi lại của người dân trong tỉnh được nới lỏng, thuận lợi và phù hợp hơn nhiều so với quy định trước đó.

Người dân có nhu cầu di chuyển ra khỏi địa bàn huyện, thị xã, thành phố cần đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (nơi đi) và khi đến nơi phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (nơi đến).

Sau khi về địa phương phải nộp lại giấy và khai báo tại Trạm Y tế gần nhất. Ủy ban Nhân dân cấp xã giải quyết nhu cầu đi lại, ra vào địa phương đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản số 13417/UBND-VP về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg từ ngày 23/9/2021 trên toàn tỉnh (trừ các điểm còn phong tỏa và huyện Côn Đảo áp dụng Chỉ thị 19).

Người dân không bị cấm đi lại trong nội huyện, thị, thành phố nhưng đề nghị chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện nghiêm Thông điệp “5K.”

Đối với việc đi lại của người dân giữa các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Văn bản số 13450/UBND-VP ngày 23/9 về việc điều chỉnh, bổ sung Công văn số 13417/UBND-VP ngày 22/9 có nêu rõ: “Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi đi có trách nhiệm xem xét, thống nhất với Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi đến để giải quyết cho người dân.”

[Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 diện rộng]

Tuy nhiên, việc quy định cấp huyện nơi đi và đến thống nhất giải quyết nhu cầu đi lại của người dân là bất cập lớn nên các huyện, thị, thành phố đã đề nghị tỉnh điều chỉnh quy định này.

Từ ngày 23/9, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển từ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15. Do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tại Văn bản số 13417/UBND-VP, tỉnh đã nâng mức một số quy định trong Chỉ thị 15 như chỉ cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở...

Tuy nhiên, quy định “bắt buộc doanh nghiệp và người lao động phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng lao động, thể hiện cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại, được Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận” khiến cả doanh nghiệp, chính quyền cơ sở và người dân bối rối.

Tại thành phố Vũng Tàu có hàng chục ngàn lao động, Ủy ban Nhân dân phường, xã sẽ xác nhận không xuể “giấy xác nhận lịch trình di chuyển” cho người lao động; phải có đủ xác nhận của Ủy ban Nhân dân nơi đi và đến nên người lao động rất vất vả để đi xác nhận.

Trong khi đó, Chỉ thị 15 và Công văn 13417/UBND-VP của tỉnh không cấm người dân đi lại.

Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có Công văn số 4083 gửi Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện về việc giải quyết đối với đề nghị của người dân xin di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố.

Theo đó, để việc xem xét cho phép người dân di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố được chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu đối với người dân di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố hoặc đi đến địa bàn có nguy cơ rất cao, do cá nhân, tổ chức đề nghị sẽ giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tiếp nhận hồ sơ đối với cá nhân cư trú trên địa bàn và tổ chức đóng trên địa bàn, xem xét các trường hợp đặc biệt cần thiết phải di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố đi đến địa phương khác hoặc địa bàn có nguy cơ rất cao có ý kiến tham mưu trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo đúng quy định; đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định khi người dân quay trở về nơi cư trú.

Đối với người nước ngoài đang ở tại thành phố Cần Thơ có nhu cầu di chuyển ra khỏi thành phố, Giám đốc Sở Ngoại vụ tiếp nhận thông tin, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan có ý kiến tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét giải quyết theo đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục