Bắc Giang tháo gỡ khó khăn về lao động trong KCN trong dịch COVID-19

Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thời gian qua Bắc Giang đã phải gồng mình tấn công dập dịch với số ca nhiễm kỷ lục, chủ yếu tập trung ở các KCN, khu trọ của công nhân trong cộng đồng dân cư.
Bắc Giang tháo gỡ khó khăn về lao động trong KCN trong dịch COVID-19 ảnh 1Hơn 1000 công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Khu công nghiệp Vân Trung đã đi làm trở lại sau 2 lần test âm tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 6/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì Hội nghị trực tuyến với 10 huyện, thành phố để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về lao động cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất.

Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thời gian qua Bắc Giang đã phải gồng mình tấn công dập dịch với số ca nhiễm kỷ lục, chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, khu trọ của công nhân trong cộng đồng dân cư.

Đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện Bắc Giang đang nỗ lực triển khai các giải pháp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, song vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân tham gia sản xuất.

Theo báo cáo của Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, trong tổng số 360 doanh nghiệp tại 4 khu công nghiệp của Bắc Giang, đến ngày 6/6 đã có 30 doanh nghiệp được hoạt động trở lại và 146 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị hoạt động trở lại.

Hiện đã có hơn 3.660 lao động đã đi làm trở lại; có 6.490 lao động/160.000 lao động của 4 khu công nghiệp đã được phê duyệt đi làm trở lại.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương đã chỉ đạo các địa phương cần tập trung xử lý vướng mắc trong việc đón người lao động đi làm trở lại theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh ngày 5/6/2021 về việc hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại theo đúng quy trình 7 bước.

Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hồ sơ đề nghị cho công nhân quay trở lại làm việc, trong đó phải đầy đủ địa chỉ công nhân để để thuận lợi cho việc rà soát, lập phương án tổ chức xét nghiệm nhanh và đưa đón lao động.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức rà soát danh sách lao động. Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố thẩm định và gửi các cơ quan chức năng có văn bản xác nhận về danh sách người lao động đã được theo dõi, quản lý, xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ lây nhiễm dịch trong vòng 21 ngày trở lại tính đến thời điểm xác nhận. Trong vòng 4 giờ, kể từ khi nhận được danh sách do Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố gửi, Ban quản lý các khu công nghiệp thông báo cho doanh nghiệp kết quả.

Đồng thời doanh nghiệp gửi Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh dự thảo phương án đón lao động để Tổ kết nối với các huyện, thành phố. Trong vòng 8 giờ, kể từ khi nhận được phương án đón lao động của doanh nghiệp, các địa phương chỉ đạo thực hiện mở chốt/trạm kiểm dịch cho người, xe đón lao động được lưu thông và cho lao động di chuyển ra các điểm đón tập trung.

Các địa phương giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng dịch của lao động và lái xe tại các điểm đón; giám sát việc tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19; giám sát người lao động lên xe theo đúng danh sách phê duyệt.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm tập trung để xét nghiệm COVID-19 nhanh và đưa đón về nơi ở, đồng thời yêu cầu lái xe cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 (xét nghiệm PCR lần gần nhất không quá 3 ngày) trước khi đón lao động. Doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nhanh tại địa điểm tập trung trước khi lên xe đối với lái xe, người lao động; chỉ được cho người lao động lên xe khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Bên cạnh đó doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm việc tổ chức cách ly người lao động tạm thời và tổ chức xét nghiệm COVID-19 (xét nghiệm PCR) cho người lao động trước ít nhất 1 ngày dự kiến cho trở lại làm việc. Chỉ được phép đưa lao động trở lại làm việc và dừng việc cách ly tạm thời tại nơi ở đối với lao động có kết quả xét nghiệm âm tính.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh tuyệt đối không để công nhân, người lao động tự ý di chuyển phương tiện cá nhân đến doanh nghiệp làm việc; đón 1 công nhân cũng phải có kế hoạch đưa đón như đón hàng nghìn công nhân.

[Hỗ trợ doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hoạt động trở lại an toàn]

Chủ tịch Lê Ánh Dương cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xét nghiệm lần 2 cho công nhân đang ở tại nhà theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Riêng huyện Việt Yên, nơi đang có nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cần tập trung cao để xác nhận cho công nhân. Đồng thời thành lập tổ y tế để kiểm tra tại các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Đối với các doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra giám sát, nếu bảo đảm điều kiện an toàn cho phép hoạt động trở lại.

Trước đó, ngày 5/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương cùng lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Y tế và Công an tỉnh đã đi kiểm tra hoạt động sản xuất và phòng chống dịch tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương đã yêu cầu các cơ quan liên quan bảo đảm chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, đồng thời xem xét bố trí vaccine phòng COVID-19 để tổ chức tiêm phòng cho công nhân bảo đảm đúng tiến độ, trong đó, ưu tiên tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục