Bài học cho Indonesia sau thảm kịch tàu ngầm KRI Nanggala-402

Giới chuyên gia cho rằng thảm kịch tàu ngầm KRI Nanggala-402 là bài học mà chính phủ Indonesia cần rút ra khi lập kế hoạch quốc phòng để giảm thiểu thiệt hại, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bài học cho Indonesia sau thảm kịch tàu ngầm KRI Nanggala-402 ảnh 1Ảnh (tư liệu): Tàu ngầm KRI Nanggala 402 khởi hành từ căn cứ hải quân ở thành phố cảng Surabaya, đảo Java, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo The Conversation ngày 21/5, tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia đã bị chìm tại vùng biển Bali hồi tháng 4/2021 trong một cuộc tập trận phóng ngư lôi, khiến toàn bộ 53 thành viên trên tàu thiệt mạng.

KRI Nanggala-402 là một trong hai tàu ngầm lớp Cakra của Indonesia, được phát triển bởi công ty đóng tàu Howaldtswerke - Deutsche Werft (HDW) của Đức vào năm 1977. Hải quân Indonesia đã đưa tàu ngầm này vào biên chế hoạt động từ năm 1981, đến nay đã được 40 năm.

Sau khi tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích, Indonesia đã lập tức tổ chức công tác tìm kiếm với sự hỗ trợ của các nước khác. Sau khi phát hiện các mảnh vỡ của tàu ngầm vào ngày 24/4, Indonesia tuyên bố tàu KRI Nanggala-402 đã bị chìm và toàn bộ thủy thủ đoàn đã thiệt mạng.

Giới chuyên gia cho rằng đây là bài học mà chính phủ Indonesia cần rút ra trong việc lập kế hoạch quốc phòng để giảm thiểu thiệt hại, cũng như chuẩn bị chu đáo nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong tương lai.

Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Vụ tai nạn tàu ngầm KRI Nanggala-402 là vụ mới nhất trong danh sách dài các vụ tai nạn liên quan đến hệ thống, thiết bị vũ khí của Indonesia. Theo thống kê, từ năm 2015 đã xảy ra 18 vụ tai nạn liên quan đến 5 máy bay dân sự, 5 máy bay trực thăng, 6 chiến hạm và nhiều phương tiện chiến đấu khác.

Những tai nạn trên không chỉ cướp đi sinh mạng của quân nhân, mà còn khiến 86 dân thường thiệt mạng.

Chỉ riêng trong năm 2020, Indonesia đã xảy ra ba vụ tai nạn liên quan đến hệ thống vũ khí. Ngày 6/6/2020, máy bay trực thăng Mi-17 của quân đội đã bị rơi trong quá trình huấn luyện tại Kendal, miền Trung Java, khiến 4 binh sỹ thiệt mạng.

[Rủi ro trong phát triển tàu ngầm: Nhìn từ bài học Indonesia]

10 ngày sau, chiến đấu cơ Hawk Mk209 của lực lượng không quân bị rơi gần khu vực Kampar thuộc quần đảo Riau của Indonesia. Ngày 14/7/2020, tàu chiến KRI Teluk Jakarta-541 của hải quân bị chìm gần đảo Kangean, Đông Java.

Sự cố tàu ngầm KRI Nanggala-402 được cho là tồi tệ nhất vì tàu ngầm được thiết kế để không bị phát hiện. Vụ tai nạn đã khiến cho công tác tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm và thủy thủ đoàn rất khó khăn.

Trong lịch sử các cuộc giải cứu tàu ngầm trên thế giới, rất ít vụ thành công. Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là Indonesia từ bỏ chuẩn bị tốt cho công tác tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm nếu nó còn xảy ra trong tương lai.

Chính phủ Indonesia cần mua sắm tàu cứu hộ tàu ngầm và phương tiện cứu hộ lặn sâu (DSRV), đồng thời cải thiện khả năng tác chiến chống tàu ngầm của tàu chiến và máy bay của quân đội, có thể được sử dụng để theo dõi và tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

Indonesia hiện không có bất kỳ tàu cứu hộ tàu ngầm hoặc phương tiện cứu hộ lặn sâu nào. Malaysia và Singapore là hai quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sở hữu tàu cứu hộ tàu ngầm. Sau khi tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn, hai quốc gia này đã triển khai các tàu MV Mega Bakti và MV Swift Rescue đến để hỗ trợ tìm kiếm.

Khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Indonesia cũng rất hạn chế. Nhiều tàu chiến của nước này không được trang bị thiết bị quét sóng âm có khả năng phát hiện tàu ngầm lặn sâu dưới nước.

Các máy bay tuần tra thuộc hải quân Indonesia cũng có nhiều hạn chế nhất định - vấn đề mà hải quân nước này vẫn đang cố gắng giải quyết. Kể cả khi Indonesia mua máy trực thăng AS565MBe Panther trang bị cho Phi đội 100 vào năm 2015, lực lượng hải quân Indonesia cũng không có phi đội tác chiến chống tàu ngầm.

Trong tương lai, Indonesia cần bắt kịp công nghệ tiên tiến trong tìm kiếm và cứu nạn tàu ngầm để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Mua sắm hệ thống vũ khí đồng bộ

Thông thường, quy trình mua sắm hệ thống vũ khí của Indonesia chỉ xem xét việc mua chứ không xem xét tuổi thọ của hệ thống vũ khí. Điều này cần phải chấm dứt. Mua sắm quốc phòng không chỉ bao gồm tiến trình mua sắm mà còn cả các yếu tố hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng.

Hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng sẽ mang lại giá trị hoạt động cho hệ thống vũ khí bằng cách đảm bảo hệ thống vũ khí luốn sẵn sàng và đáng tin cậy cho các nhiệm vụ và huấn luyện. Tuổi thọ của vũ khí sẽ phụ thuộc vào việc bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế linh kiện.

Hệ thống vũ khí không được cung cấp các dịch vụ bảo trì, sửa chữa thường xuyên theo quy định của nhà sản xuất sẽ nhanh xuống cấp và có thể gây ra những nguy cơ đáng tiếc.

Các nhà hoạch định quốc phòng cần phải xem xét tất cả các yếu tố cần thiết liên quan đến việc duy tu, bảo hành hệ thống vũ khí khi quyết định mua sắm. Nếu vấn đề này bi bỏ qua, hệ thống vũ khí có thể sẽ gây ra các lỗi kỹ thuật dẫn đến những vụ tai nạn ngoài ý muốn.

Trong trường hợp của tàu ngầm KRI Nanggala-402, nó đã hoạt động 40 năm. Đây là khoảng thời gian rất dài nhưng điều này sẽ không thành vấn đề nếu tàu ngầm thường xuyên được bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật.

Thực tế cho thấy rất nhiều tàu ngầm của các quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đã được phát triển và đưa vào hoạt động trong những năm 1970 và 1980.

Ví dụ, các tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ cũng đã được đưa vào hoạt động từ năm 1981 và các tàu ngầm lớp Los Angeles được khai thác sử dụng từ năm 1976.

Các tàu ngầm lớp Archer và lớp Challenger của Singapore trước đây là các tàu ngầm cũ do Thụy Điển sản xuất. Cả hai tàu ngầm này đều phục vụ trong lực lượng hải quân Thụy Điển từ cuối những năm 1960 và 1980 và sau đó được bán lại cho Singapore vào năm 1997.

Sau nhiều năm đại tu, Singapore đã chính thức đưa vào sử dụng hai tàu ngầm trên từ năm 2004 cho đến nay.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia cũng được đại tu bởi tập đoàn Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc từ năm 2009-2012.

Theo Hải quân Indonesia, kể từ đó tàu ngầm KRI Nanggala-402 cũng thường xuyên được Bộ Tư lệnh Hải quân bảo dưỡng và đánh giá mức độ hoạt động an toàn của nó.

Trong khi đó, tàu ngầm song sinh của của KRI Nanggala-402 là KRI Cakra-401 đã được công ty đóng tàu nhà nước PT PAL của Indonesia tiến hành đại tu năm 2018. Công ty PT PAL có khả năng đại tu tàu ngầm sau khi một cơ sở đóng tàu ngầm được xây dựng tại Surabaya, Đông Java năm 2017.

Giới chuyên gia cũng hy vọng rằng, Indonesia có thể bảo dưỡng tốt hơn số tàu ngầm đang sở hữu và cần nhanh chóng cải thiện khả năng hỗ trợ kỹ thuật và bảo dưỡng cho các hệ thống vũ khí trong biên chế hiện tại để có thể làm giảm tỷ lệ tai nạn xuống mức thấp nhất có thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục