Bài toán chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Rất nhiều ý kiến hoài nghi rằng liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đưa ra những quyết sách đột phá giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng một cách bền vững hay không.
Bài toán chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh 1Một cảng hàng hóa của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng yomiuri.co.jp, Trung Quốc sẽ không thể tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế và đối đầu trực diện với Mỹ nếu chỉ thông qua những chính sách nhằm tăng cường cải cách nền kinh tế quốc gia.

Rất nhiều ý kiến hoài nghi rằng liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đưa ra những quyết sách đột phá giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng một cách bền vững hay không.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Khóa XIII ngày 5/3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo của chính phủ, trong đó nhấn mạnh đã giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2019 từ mức "trên dưới 6,5%" trước đó xuống mức "từ 6-6,5%."

Ông cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực suy giảm mạnh, chính vì thế chính phủ nước này kỳ vọng vào các chính sách kích thích nền kinh tế như giảm thuế ở quy mô nhỏ và mở rộng đầu tư cơ bản xã hội.

Khi nền kinh tế suy giảm và sự bất mãn của xã hội về khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Đây chắc chắn là điều mà chính phủ nước này đang hết sức lo lắng khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh vào tháng 10 năm nay.

Cũng trong phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã "thật lòng" thừa nhận cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu tới triển vọng của thị trường trong nước cũng như tình hình kinh doanh và sản xuất của một bộ phận doanh nghiệp nước này.

Mặc dù vậy, ông hoàn toàn không đề cập đến chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025,” vốn có tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ vượt qua Mỹ. Có lẽ đây là những động thái thiện chí của Bắc Kinh trước khi những quyết định cuối cùng được đưa ra tại cuộc đàm phán Mỹ-Trung dự kiến diễn ra trong tháng này.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp lần này, dự thảo Luật đầu tư thương mại với nước ngoài (quy định cấm những hành vi yêu cầu chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài) có thể sẽ được thông qua vào ngày cuối cùng của kỳ họp thường niên (15/3) với quãng thời gian chuẩn bị kỷ lục kể từ khi dự thảo luật này được công bố vào tháng 12/2018.

Dự luật sẽ loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc, một vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Dự luật này cũng cam kết loại bỏ tiến trình thông qua theo từng trường hợp đối với đầu tư nước ngoài. Thay đổi này đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng đặc quyền như các công ty Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, ngoài trừ các lĩnh vực trong danh sách cấm.

[Những thay đổi trong cán cân vốn FDI-ODI của Trung Quốc]

Mỹ luôn kịch liệt yêu cầu Trung Quốc phải điều chỉnh quy định trong các vấn đề “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” và “bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước." Tuy nhiên, vấn đề là liệu những quy định mới ban hành có được đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ.

Ông Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ thực hiện thực chất những cam kết đưa ra, song cũng đề cập đến quan điểm rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài những chính sách kinh tế, ông Tập Cận Bình cũng đang thúc đẩy thông qua Luật Thông tin quốc gia (quy định nghĩa vụ hợp tác của người dân trong hoạt động thông tin của chính phủ) và Luật An ninh mạng nhằm chính thức hóa mạng quản lý của chính phủ. Nếu không thực sự xem lại các quy định của pháp luật đang khác xa so với các nước phát triển, ông Tập Cận Bình nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ không thể gạt bỏ sự hoài nghi của các nước như Mỹ đối với Trung Quốc.

Ngân sách dành cho quốc phòng cũng được chính phủ nước này công bố sẽ tăng 7,5% với 1189,8 tỷ Nhân dân tệ (177,49 tỷ USD), nhưng vẫn thấp hơn so với mức 8,1% của năm 2018 và gấp hơn 4 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản.

Có lẽ, Trung Quốc không thể gạt bỏ lo ngại khi tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng cao hơn tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc liên tiếp chế tạo tàu sân bay, tăng cường tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung sẽ làm gia tăng mối quan ngại của các nước nước trong khu vực.

Dự kiến, hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng này vào tháng 4 tới. Lễ diễu binh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc cũng sẽ được tổ chức vào tháng 10. Tuy nhiên, việc phô trương năng lực quốc phòng có lẽ cũng chỉ khiến cho các nước như Mỹ thêm cảnh giác hơn với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục