Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả

Từ cấp độ địa phương, tỉnh Bến Tre đã có nhiều chương trình, kế hoạch để kinh tế tập thể phát huy vai trò của mình trong xây dựng xã hội tiến bộ, kinh tế đi lên, nông dân khá giả, sung túc.
Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 1Nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thực hiện mô hình "con tôm ôm cây lúa." (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Kinh tế tập thể, đặc biệt là kinh tế tập thể trong nông nghiệp luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm và có nhiều chương trình hành động để thúc đẩy phát triển.

Từ cấp độ địa phương, tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch để kinh tế tập thể phát huy vai trò của mình trong xây dựng xã hội tiến bộ, kinh tế đi lên, nông dân khá giả, sung túc.

Ngay từ khi Chính phủ ra Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng đã nhanh chóng có nhiều chính sách đẩy mạnh vai trò của kinh tế tập thể.

Bài 1: Kết nối cá thể

Kim chỉ nam của kinh tế tập thể chính là đưa các cá thể cùng ngành nghề vào chung một nhóm, cùng hoạt động sản xuất và xây dựng kế hoạch sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

Kinh tế tập thể không xa lạ với từng nông dân Bến Tre trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kinh tế tập thể kể từ sau khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành đã dần thay đổi nguyên tắc hoạt động của từng cá thể thành viên, đưa kinh tế tập thể thể hiện được vai trò thực chất của nó trong khu vực nông thôn.

Hỗ trợ sản xuất

Với xu thế cạnh tranh chất lượng sản phẩm, đa dạng hàng hóa hiện nay, từng cá thể nông dân khó có thể tạo nên làn sóng thương hiệu chất lượng cho sản phẩm của mình. Đặc biệt là nắm bắt các tiêu chuẩn, cũng như yêu cầu tiêu dùng, thông tin tiêu thụ, chỉ có một đơn vị mang đầy đủ tư cách pháp nhân tương đương doanh nghiệp như hợp tác xã mới có thể tạo ra xu thế sản xuất lớn, giao dịch lớn cho nông dân.

[Khu vực kinh tế tập thể cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng. Vì vậy, để tạo nên hàng hóa chất lượng theo yêu cầu của thị trường, từng thành viên mắt xích trong hệ thống tạo nên hàng hóa chất lượng phải tạo thành một chuỗi giá trị.

Do đó, ngành nông nghiệp Bến Tre đã và đang thực hiện theo Nghị quyết chủ đạo đó là Nghị quyết số 03/NQ-TW về xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025 cũng như thực hiện theo Nghị quyết số 07/NQ-TW của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Chuỗi giá trị được tạo nên từ đơn vị nhỏ nhất là tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức nhỏ nhất có khả năng kết nối, tập hợp nông dân cùng ngành nghề hàng hóa với nhau, cùng nắm bắt xu thế thị trường để tại nên khối lượng hàng hóa theo như cầu.

Cũng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, tính đến cuối tháng Năm này, toàn tỉnh hiện có 145 hợp tác xã nông nghiệp và giúp gắn kết 33.781 thành viên, 1.099 tổ hợp tác gắn kết 20.422 thành viên.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, cho biết trong những năm gần đây, số hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các hợp tác xã đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới theo hướng tích cực và đa dạng, phù hợp với nhu cầu sản xuất của người nông dân.

Các hợp tác xã từng bước khắc phục những tồn tại, đổi mới quản lý và điều hành, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và định hướng hoạt động, tổ chức thêm ngành nghề, dịch vụ mới, chủ động hơn trong cơ chế thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng.

Nhiều hợp tác xã đã làm được các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết nối được với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào thu mua sản phẩm đầu ra cho thành viên. Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng được nâng cao đã giải quyết công việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người nông dân trên địa bàn được thành viên, nông dân tín nhiệm.

Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 2Sơ chế chôm chôm xuất khẩu ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Là một nông dân trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Lê Văn Thi, ngụ tại ấp Cống, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lác, cho biết kể từ khi tham gia vào hợp tác xã, ông Thi được hướng dẫn nhiều kỹ thuật sản xuất chôm chôm đạt chất lượng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Không những vậy, thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất chôm chôm trong khu vực ấp Cống nói riêng, xã Phú Phụng nói chung luôn có hướng đi né vụ, tránh vụ để tạo nên giá trị lớn hơn cho trái chôm chôm Chợ Lách, không rơi vào thế cạnh tranh với nhiều nông dân khu vực Đông Nam Bộ hay chôm chôm của Thái Lan.

Không những vậy, hợp tác xã còn thu mua cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Nhờ đó, các thành viên hợp tác xã vừa được nâng cao kỹ thuật sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho vườn chôm chôm.

Sử dụng vốn hiệu quả

Kết nối người dân nông thôn tham gia chuỗi sản xuất và tạo nên giá trị lớn hơn là cách giúp cho người dân nông thôn sử dụng vốn và quản lý nguồn vốn hiệu quả. Từ đó, nông dân khu vực nông thôn có thêm động lực phát triển, đưa kinh tế nông thôn đi lên. Đây cũng là mối quan tâm lớn của Chính phủ trong phân bổ nguồn lao động nông thôn hợp lý, giảm áp lực lao động cho các khu đô thị lớn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay, 60% hợp tác xã và tổ hợp tác trong tỉnh sử dụng nguồn vốn hiệu quả, có khả năng sinh lãi và giúp nông dân có thu nhập cao.

Ông Huỳnh Quang Đức cho biết trong những năm qua, ngành nông nghiệp Bến Tre đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

Cụ thể như hỗ trợ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác xã (nhân lực quản lý và chuyên môn) đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở hợp tác xã, hỗ trợ thực hiện việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy kết nối phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...), sử dụng giống chất lượng cao, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, chất thải chăn nuôi được xử lý đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm.

Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 3Dây chuyền dán mác, đóng bao bì sản phẩm bưởi da xanh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ hộ thành viên của hợp tác xã có diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh sản xuất theo mô hình dừa hữu cơ để xây vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Theo ông Phạm Hồng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng, cho biết thông qua hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã được hướng dẫn cách sử dụng nguồn vốn hiện có của gia đình.

Ngoài đầu tư vào sản xuất để sinh lợi nhuận, việc đầu tư vào cổ phần hợp tác xã cũng là một cách để nguồn vốn của thành viên nông dân sinh lời hàng năm. Với hiệu quả kinh doanh của hợp tác xã Phú Phụng hiện nay, số lượng nông dân sản xuất chôm chôm trên địa bàn xã Phú Phụng nộp hồ sơ vào hợp tác xã ngày càng nhiều (hiện có hơn 50 hồ sơ chờ duyệt). hông những vậy, với số lượng đơn đặt hàng từ các thị trường New Zealand, Australia, Mỹ, châu Âu, hợp tác xã cũng đang dần mở rộng quy mô và diện tích sản xuất để nâng cao sản lượng đạt tiêu chuẩn cung ứng cho thị trường nước ngoài.

Khi nói về hiệu quả sử dụng vốn kể từ khi tham gia vào hợp tác xã sản xuất chôm chôm xuất khẩu, ông Lê Văn Thi, nông dân sản xuất chôm chôm tại ấp Cống, vui vẻ cho biết so với trước đây, gia đình ông chỉ có một kênh sinh lời là gửi vào ngân hàng. Còn hiện nay đầu tư cổ phần vào hợp tác xã Phú Phụng, tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, nông dân lại nắm bắt được thông tin thị trường để điều chỉnh sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm chôm chôm Phú Phụng nói riêng, sản phẩm nông nghiệp Bến Tre nói chung. Đây mới là cốt lõi và mong muốn của nông dân Bến Tre.

Đối với thành viên các Tổ hợp tác, đây là nơi kết nối các nông dân sản xuất cùng ngành hàng, nhưng chưa có tư cách pháp nhân, chưa thể dùng vốn tập thể để đầu tư sinh lợi nhuận. Vì vậy, cách thức sử dụng vốn hiệu quả áp dụng dưới hình thức khác.

Theo ông Vương Thành Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết các thành viên của Tổ hợp tác tự quản lý nguồn vốn của mình. Tuy nhiên, tập thể tổ hợp tác sẽ tìm các nguồn vật tư nông nghiệp uy tín, giá đầu tư phù hợp, chiết khấu cao cho các thành viên.

Bên cạnh đó, với sự liên kết hợp tác sản xuất thu mua với Cơ sở thu mua, xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây, các thành viên sản xuất theo yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu. Nhờ đó, thành viên giảm bớt chi phí cho khâu trung gian, tăng lợi nhuận và hiệu quả sử dụng nguồn vốn./.

Bài 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho nông dâng dân

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục