Bệnh điếc nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong người lao động

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2017 có hơn 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện, trong đó có tới 73% là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
Bệnh điếc nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong người lao động ảnh 1Kiểm tra sức khỏe cho công nhân lao động tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2017 có hơn 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện, trong đó có tới 73% là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn. Số trường hợp phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp chỉ chiếm 1,3% tổng số người đi khám.

[Gần 3 triệu lượt lao động được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm]

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và các hoạt động của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.

Trong năm 2017, tổng số người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là hơn 295.443 trường hợp.

Tổng số người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được phát hiện bệnh nghề nghiệp là hơn 295.443 trường hợp. Quá trình khám đã phát hiện được hơn 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó cao nhất là điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 73% (hơn 2.766 trường hợp). Tiếp đến là bệnh hen phế quản nghề nghiệp chiếm 12%, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp 8,2%, bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp 1,1%...

Bệnh điếc nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong người lao động ảnh 2

Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhận định, nhìn chung môi trường lao động chưa thực sự đảm bảo. Số các trường hợp phát hiện bệnh nghề nghiệp chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là bệnh điếc nghề nghiệp.

“Ngoài ra còn nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp cũng được phát hiện như cơ xương khớp, tim mạch, căng thẳng thần kinh tâm lý. Việc gia tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất và trong nông nghiệp cũng làm tăng số lượng người lao động bị tổn thương và gây nguy hiểm đối với sức khỏe,” bà Lương Mai Anh nhấn mạnh.

Trong các trường hợp phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp đã tiến hành giám định được 875 trường hợp, có 102 trường hợp được hưởng trợ cấp 1 lần và 51 trường hợp được nhận trợ cấp thường xuyên.

Trong năm 2017, các cơ sở y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 2,2 triệu người lao động. So với cùng kỳ năm 2016, tổng số người lao động được khám sức khỏe định kỳ tăng hơn 666.800 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục