Bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai ở Việt Nam

Tổn thương do bệnh glôcôm có tính chất tiến triển suốt đời ngay cả khi được điều trị. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị ngay từ đầu để hạn chế tiến triển của bệnh là rất quan trọng.
Bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai ở Việt Nam ảnh 1Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể trên thế giới cũng như ở Việt Nam nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Phát biểu tại buổi Lễ ký kết hợp tác khởi động Chương trình giáo dục bệnh glôcôm (glaucoma) cho bệnh nhân giữa Bệnh viện Mắt Hà Nội và Novartis Việt Nam diễn ra chiều 24/10, tiến sỹ Nguyễn Xuân Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho hay trong giai đoạn đầu, bệnh glôcôm không có triệu chứng. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân bị mù một mắt do bệnh glocom mà không hề hay biết, chính vì vậy người ta gọi bệnh glôcôm là “kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng.”

[Ngày Thị giác Thế giới 13/10: Những cách chăm sóc đôi mắt]

Theo ông Tịnh, một điều nguy hiểm đối với bệnh glôcôm là một khi mắt đã mù lòa thì không có khả năng hồi phục. Tổn thương do bệnh glôcôm có tính chất tiến triển suốt đời ngay cả khi được điều trị. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị ngay từ đầu để hạn chế tiến triển của bệnh là rất quan trọng.

Do tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là cho những người đã mắc bệnh glôcôm, những thành viên trong gia đình người bệnh, Chương trình giáo dục bệnh glôcôm được triển khai lần này là mô hình giáo dục bệnh nhân đầu tiên kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến trong ngành nhãn khoa ở Việt Nam. Chương trình nhằm cung cấp giải pháp hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ người bệnh tiếp cận kiến thức toàn diện về bệnh glôcôm.

Chương trình diễn ra ở 3 bệnh viện mắt hàng đầu cả nước, kéo dài trong vòng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị trong quản lý bệnh lý glôcôm. Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình nâng cao nhận thức về bệnh glôcôm cho bệnh nhân và người chăm sóc, mỗi buổi giáo dục bệnh nhân được triển khai cùng lúc dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chương trình được triển khai trên nhiều nền tảng trực tuyến nhằm tối đa hóa hiệu quả tiếp cận thông tin/ kiến thức cho bệnh nhân. Bên cạnh các bài viết, video chuyên sâu được đăng tải trên Zalo, Website và Fanpage, bệnh viện cũng tổ chức hội thảo trực tuyến thông qua Livestream trên kênh Youtube mỗi tháng một lần nhằm giải đáp thêm những thắc mắc của người bệnh về bệnh lý glôcôm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nhận được tin nhắn SMS hoặc ZNS giới thiệu về các lớp học sắp diễn ra.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tịnh khẳng định đây sẽ là mô hình giáo dục bệnh nhân mang lại hiệu quả, giúp những bệnh nhân và người nhà không có điều kiện đến bệnh viện vẫn có thể tiếp cận được thông tin, được tư vấn và giải đáp những câu hỏi thường gặp của bệnh glôcôm.

Bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai ở Việt Nam ảnh 2Đại diện các bên ký kết hợp tác khởi động Chương trình giáo dục bệnh glôcôm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ của Bệnh viện Mắt Trung ương và tổ chức Atlantic Philanthropies về tình trạng mù lòa tại 16 tỉnh thành năm 2007, có 24.800 người bị mù cả hai mắt do Glôcôm và là nguyên nhân gây mù thứ 2. Năm 2015 có 13.160 người mù do bệnh Glôcôm và là nguyên nhân gây mù đứng hàng đầu trong nước.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Vào năm 2020, số người (tuổi từ 40-80) bị glôcôm trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111.8 triệu người mắc bệnh vào năm 2040, trong đó bệnh nhân glôcôm người châu Á chiếm 47%. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glôcôm không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%./.

Bệnh glôcôm (bệnh thiên đầu thống) hay bệnh tăng nhãn áp dùng để chỉ bệnh lý liên quan đến đầu dây thần kinh thị giác, triệu chứng điển hình là lõm teo đĩa thị, tổn hại thị trường và nhãn áp cao.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục