Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh nhưng vẫn thở máy

Bệnh nhân chưa được xuất viện mang số 416 (57 tuổi, trú thành phố Đà Nẵng), là người mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Y tế công bố hôm 25/7 vừa qua.
Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh nhưng vẫn thở máy ảnh 1Bệnh nhân số 416 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 1/9, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi COVID-19 cho 6 bệnh nhân, trong đó có 5 bệnh nhân được xuất viện gồm 440, 472, 874, 992, 1018.

Các bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm 3-5 lần đều âm tính với SARS-CoV-2. Sau khi ra viện, các bệnh nhân được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng bố trí xe đưa về tận nhà và cách ly 14 ngày, dưới sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Bệnh nhân chưa được xuất viện mang số 416 (57 tuổi, trú thành phố Đà Nẵng), là người mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Y tế công bố hôm 25/7. 

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện C Đà Nẵng ngày 23/7 với lý do khó thở và được lấy mẫu xét nghiệm ngay trong ngày, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân suy hô hấp, diễn tiến nặng, phải đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

[Thông tin chi tiết về bệnh nhân 416 mắc COVID-19 ở Đà Nẵng]

Tối 24/7, bệnh nhân được các bác sỹ hội chẩn và quyết định thực hiện ECMO. Trưa 25/7, Bộ Y tế công bố bệnh nhân này mắc COVID-19 sau 5 lần xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đây cũng là bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến nặng, đông đặc phổi 2 bên, xẹp phổi và xuất huyết phế nang nặng, được nội soi hô hấp vào ngày 4/8 và tiến hành mở khí quản ngày 5/8.

Ngày 6/8, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã có 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và máy thở, đang được lọc máu liên tục. Thể trạng bệnh nhân suy kiệt nặng, cơ lực toàn thân giảm, X-quang phổi có triệu chứng xơ hóa, đông đặc phổi lan tỏa 2 bên. Đến nay, bệnh nhân đã chạy ECMO 40 ngày.

Bác sỹ Hoàng Hữu Hiếu (Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) cho hay, do tình trạng tổn thương phổi đông đặc, xơ hóa lan tỏa, chức năng hô hấp của phổi giảm nặng, bệnh nhân 416 cần được hỗ trợ ECMO và thở máy thời gian kéo dài nên tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng từ hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.

Tình trạng suy kiệt, yếu cơ toàn thân nên bệnh nhân cần được phối hợp dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng kết hợp. Bệnh nhân tiên lượng còn rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo bác sỹ Hoàng Hữu Hiếu cho biết, dù các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã rút khỏi Đà Nẵng nhưng quá trình điều trị bệnh nhân 416 vẫn sẽ thực hiện tham vấn ý kiến chuyên sâu của đội ngũ này do họ từng có kinh nghiệm điều trị thành công cho bệnh nhân 91./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục