Bộ Công Thương gỡ khó cho 15 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên

Các đại biểu đã gửi 142 kiến nghị tới Bộ Công Thương liên quan đến lĩnh vực cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng thương mại, kinh doanh xăng dầu, khí và rượu; năng lượng tái tạo; mua bán điện.
Bộ Công Thương gỡ khó cho 15 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên ảnh 1Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sáng 19/8, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị ngành của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu trình bày 13 tham luận, đồng thời gửi 142 kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương. Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghiệp có 65 kiến nghị liên quan tới lĩnh vực cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu nổ công nghiệp, khuyến công, khoáng sản, môi trường hóa chất, an toàn thực phẩm.

Đối với lĩnh vực thương mại có 39 kiến nghị liên quan hạ tầng thương mại, kinh doanh xăng dầu, khí và rượu; xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thương mại biên giới và thương mại điện tử, chuyển đổi số; đa cấp, khuyến mại; hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với lĩnh vực năng lượng có 24 kiến nghị liên quan đến năng lượng tái tạo; công trình điện, cấp và truyền tải điện; mua bán điện và an toàn hồ đập. Ngoài ra, có 14 kiến nghị liên quan đến các nội dung khác.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lắk đánh giá cao phản hồi của Bộ Công Thương về giải đáp những nội dung kiến nghị của các địa phương.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng nêu băn khoăn về tính pháp lý của một số lĩnh vực ngành công thương quản lý hiện còn rất chung chung dẫn đến việc áp dụng triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, trong việc ban hành văn bản quy định nội dung hỗ trợ, thu hồi đất của người dân để xây dựng trụ điện gió còn chưa rõ ràng và mong muốn Bộ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương căn cứ vào đó thực hiện.

Bên cạnh đó, ông Lưu Văn Khôi cũng nêu các khó khăn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn; đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để tạo niềm tin giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp; hỗ trợ địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử cũng như tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý, các đơn vị tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

[Năm tỉnh miền Trung hợp tác phát triển du lịch với khu vực Tây Nguyên]

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ đồng hành và gỡ khó tối đa cho các địa phương. Một số ý kiến, kiến nghị của các địa phương đã được các Tổng cục, Cục, Vụ liên trực thuộc trả lời.

Đối với một số kiến nghị phát sinh mới cũng đã được lãnh đạo các đơn vị liên quan trả lời trực tiếp ngay tại hội nghị.

Với các nội dung kiến nghị khác trong quá trình triển khai nếu còn vướng mắc hoặc chưa rõ có thể phản ánh về Bộ Công Thương thông qua Cục Công thương địa phương tiếp tục phối hợp, xử lý.

Bộ Công Thương gỡ khó cho 15 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên ảnh 2 Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương cần sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, vận động xúc tiến đầu tư, kinh nghiệm giải quyết khó khăn cho dự án công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp; cơ chế phối hợp với Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp; xây dựng, triển khai quy hoạch, đề án phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công.

Bên cạnh đó, các Sở Công Thương thường xuyên thông tin trao đổi, mời doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung-cầu cấp khu vực để tăng tính hiệu quả của việc liên kết trong khu vực.

Theo kế hoạch, năm 2022 các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với bối cảnh mới của đất nước.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố trong khu vực phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 11,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 6,7% so với cùng kỳ và tăng 25,8% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu giảm 2,0% so với cùng kỳ và tăng 32,9% kế hoạch.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chính, đó là tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đồng thời, thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa; phát triển mạnh thương mại điện tử; tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển theo chiều sâu, chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất từng phần và tiến tới toàn bộ.

Cùng với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công, ngành cần thu hút đa dạng nguồn vốn nhằm phát triển hạ tầng thương mại; nâng cao chất lượng hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, xây dựng các điểm bán hàng OCOP.

Đặc biệt, chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Các tỉnh, thành trong khu vực cần đẩy mạnh phối hợp, hợp tác phát triển trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kết nối giao thương hàng hóa, logistic... nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của từng địa phương và của toàn khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên tiếp tục đà hồi phục. Một số tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao, ước đạt 261.371 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Toàn khu vực có 11 khu kinh tế với 726 dự án; 50 khu công nghiệp thu hút được 1.834 dự án; 196/242 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 2.168 dự án đầu tư.

Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước như: Quảng Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là: Gia Lai 9,71%; Ninh Thuận 9%.

Tuy nhiên, theo đánh giá hoạt động của ngành công thương các tỉnh, thành trong khu vực vẫn còn một số hạn chế như: sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực phục hồi chậm, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững.

Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Việc lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong ngành chậm được ban hành như Quy hoạch điện VIII, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia; chính sách giá điện.

Ngoài ra, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp một số tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn.

Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa doanh nghiệp trong khu vực để hình thành trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng...

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao Cờ luân lưu đăng cai tổ chức hội nghị ngành công thương 15 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2023 cho tỉnh Đăk Nông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục