Bộ trưởng GTVT: Mỗi nhiệm kỳ sẽ có công trình mang tính biểu tượng

Nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông vận tải đã đạt được nhiều thành tựu khi có nhiều công trình hạ tầng hoàn thành và khởi công các dự án lớn để thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đặt ra sự kỳ vọng mỗi nhiệm kỳ sẽ có công trình mang tính biểu tượng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đặt ra sự kỳ vọng mỗi nhiệm kỳ sẽ có công trình mang tính biểu tượng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xác định luôn ưu tiên những công trình giao thông đột phá để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong nhiệm kỳ tới, đơn vị này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, đầu tư những dự án trọng điểm, có tính đột phá để mỗi một nhiệm kỳ có được một số công trình mang tính biểu tượng và nhiều nhiệm kỳ sẽ có hệ thống giao thông tốt.

Nhân dịp năm mới 2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về định hướng phát triển ngành giao thông trong thời gian tới.

Ưu tiên dự án đột phá

- Xin Bộ trướng cho biết dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020 và định hướng của Bộ Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ 2021-2025?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiệm kỳ 2015-2020 ngành giao thông đã tạo nhiều đột phá và xác định kết cấu hạ tầng xây dựng được tới đâu sẽ tổ chức vận tải tốt để khai thác, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội. Giai đoạn này, ngành triển khai tốt công tác xây dựng cơ bản, giải ngân và hoàn thành được rất nhiều công trình giao thông.

Cụ thể, ngành đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như các tuyến đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bắc Giang-Lạng Sơn, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hải Phòng-Quảng Ninh, Hạ Long-Vân Đồn, La Sơn-Túy Loan, Trung Lương-Mỹ Thuận (tổng số khoảng 468 km). Nhiều Quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp (cảng cửa ngõ Hải Phòng, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi…).

Bên cạnh đó, nhiều công trình quan trọng, cấp bách cũng được ưu tiên, tập trung đầu tư như các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách sử dụng gói 15.000 tỷ đồng dự phòng trung hạn, 2 dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ...

Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn hạn chế, một số mục tiêu quan trọng đặt ra tới năm 2020 chưa thực hiện được như hoàn thành khoảng 2.000km đường bộ cao tốc (hiện mới có khoảng 1.200km), hiện đại hóa đường sắt Bắc-Nam… Có thể dễ nhận thấy, tính kết nối giữa các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) của nước ta rất yếu, dẫn đến việc khai thác chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

[Bộ GT-VT: Sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc Bắc-Nam]

Trong kế hoạch 5 năm tới, với dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án tạo ra “đột phá” như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư vào các Cảng biển và tuyến đường kết nối. Đặc biệt, tới đây ngoài đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ đang cho nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt hiện hữu làm sao kết nối được với các cảng biển lớn.

- Hai dự án cao tốc Bắc-Nam và Cảng hàng không Long Thành được coi la công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2021-2025, vậy Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những chỉ đạo gì để dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và sân bay Long Thành thực tế đã thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. Để làm dự án này, Bộ Giao thông Vận tải bị áp lực lớn khi xã hội và Đại biết Quốc hội hỏi “tại sao không triển khai?” Lý do là bởi công tác triển khai đầu tư gồm nhiều quá trình như đấu thầu, xét thầu, công bố trúng thầu, khi không có khiếu kiện khiếu nại tư vấn mới vào lập dự án, thẩm định, phê duyệt, báo cáo dự án xong mới đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thẩm định phê duyệt dự toán.

Cụ thể, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông bao được chia làm 11 dự án gồm 3 dự án đầu tư công (gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), hiện tại đang triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp với tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch đề ra hoàn thành vào năm 2021.

Với 8 dự án còn lại được lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP (công-tư) và đấu thầu quốc tế nhưng có một số vấn đề và Chính phủ cho đấu thầu trong nước. Đến nay quá trình làm khó khăn nên trong kỳ họp thứ 9 vừa rồi, Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi 3/8 dự án sang đầu tư công gồm (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) tổng số gồm 13 gói thầu xây lắp, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 13/13 gói thầu xây lắp cũng như đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu. Ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ khởi công 3 dự án này.

Với 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP là Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu- Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đến nay 2 dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi sang đầu tư công.

Với 3 dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Nha Trang-Cam Lâm và Diễn Châu-Bãi Vọt, dự án thành phần Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang hoàn thiện thẩm định để phê duyệt.

Bộ trưởng GTVT: Mỗi nhiệm kỳ sẽ có công trình mang tính biểu tượng ảnh 1Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên dự án đột phá và tạo cơ chế để hút vốn xã hội hóa hạ tầng giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ba dự án này có triển khai thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư huy động được nguồn vốn (20% vốn Nhà nước, 80% vốn vay ngân hàng) trong vòng 6 tháng theo hợp đồng ký kết. Nếu không ký được hợp đồng cung cấp vốn tín dụng nếu ngân hàng thì dự án sẽ thấy bại và theo quy trình Bộ sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét xử lý.

Như đã biết, dự án cao tốc Bắc-Nam mới triển khai giai đoạn 1 với chiều dài 654 km. Để hoàn chỉnh toàn tuyến từ Lạng Sơn-Cà Mau cần phải đầu tư nhiều đoạn nữa. Vì vậy, sắp tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục trình Chính phủ, Quốc hội giai đoạn 2 để sớm nối thông toàn tuyến cao tốc này.

Với sân bay Long Thành, ngày 5/1/2021, dự án này đã chính thức được khởi công với giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), công suất 25 triệu khách/năm 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm được hoàn thành vào năm 2025.

Sân bay Long Thành sẽ phải cạnh tranh với sân bay các nước trong khu vực, đặc biệt là sân bay của Singapore và Thái Lan để trở thành sân bay trung chuyển, nên đưa vào dự án các công nghệ, thiết bị hiện đại nhất từ kiểm soát hàng hóa, con người sẽ tự động hoàn toàn. Nhà ga hành khách cũng được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường.

Tạo cơ chế để hút vốn xã hội hóa

- Công tác giải ngân năm 2020 được đánh giá là điểm sáng khi Bộ Giao thông Vận tải luôn dẫn đầu trong các Bộ, ngành. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là thành công của công tác này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận nếu giải ngân vốn đầu tư càng nhiều càng tốt sẽ thúc đẩy kinh tế. Năm 2020, Bộ được giao gần 40.000 tỷ đồng vốn, đến cuối tháng 1/2021, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95%.

Riêng vốn ODA, năm 2020 Bộ Giao thông Vận tải được bố trí 6.500 tỷ đồng, giải ngân được 80% (cả nước là 40.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân bình quân là 41%). Tuy nhiên, nguồn vốn ODA không thể điều chuyển từ dự án này sang dự án khác nên Bộ sẽ cố gắng để làm sớm các thủ tục thanh toán từ nước ngoài. Dự kiến, hết tài khóa năm 2020 giải ngân hơn 90% vốn ODA.

Để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các bộ, ngành, tôi cho rằng Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; Bộ phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng; hàng tuần giao ban lãnh đạo Bộ đều sâu sát chỉ đạo, điều hành biểu dương những đơn vị làm tốt và phê bình những đơn vị chậm...

Ngoài ra, một yếu tố ảnh hưởng đến việc giải ngân là trước đây nếu điều chuyển vốn dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng Luật Đầu tư công sửa đổi có tác động rất lớn khi giao trách nhiệm cho chủ đầu tư được quyền điều chuyển nguồn vốn được bố trí trong phạm vi dự án đang triển khai và không phát sinh mới (riêng trong năm nay Bộ Giao thông Vận tải có 6.500 tỷ đồng điều chuyển nguồn vốn nhờ vào Luật đầu tư công sửa đổi này).

- Sắp tới Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp gì để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trên thực tế, 5-10 năm tới nguồn vốn của chúng ta có hạn nhưng nhu cầu vô hạn. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, đầu tư những dự án trọng điểm, có tính đột phá để mỗi một nhiệm kỳ chúng ta có được một số công trình mang tính biểu tượng và nhiều nhiệm kỳ sẽ có được hệ thống giao thông tốt.

Vừa qua một số dự án của ngành giao thông thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) không thành công. Một trong các nguyên nhân chính là do thời gian này chưa có Luật PPP. Mới đây, Quốc hội thông qua luật này nhưng hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, khi có luật rồi cũng chưa thể nói đi ngay vào thực tiễn, cần có các văn bản dưới luật để thực thi.

[Năm 2021: Bộ GTVT được giao gần 43.000 tỷ đồng vốn đầu tư công]

Hiện Luật PPP quy định hạn mức Nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại huy động vốn xã hội hóa. Nếu áp quy định trên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôi cho rằng rất khó kêu gọi tư nhân bởi vì khu vực này nền đất rất yếu, xây dựng nhiều cầu, chi phí đầu tư lớn…

Vì vậy, chúng tôi đang tham mưu Chính phủ đưa ra các văn bản dưới luật làm sao áp dụng cho từng khu vực. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng cơ chế vốn Nhà nước tham gia ở mức 60-70%.

Chúng ta cần thực hiện đúng Luật PPP, tuy nhiên phải có cơ chế đặc thù đối với các vùng này. Nếu cứng nhắc dễ dẫn tới khu vực có nhiều công trình dự án nhưng có nơi không có vì nhà đầu tư bỏ tiền ra phải đảm bảo phương án tài chính họ mới đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang tham mưu Chính phủ ban hành quyết định nhằm tạo cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để họ hình thành các Tổng công ty, Tập đoàn mạnh, đủ sức đầu tư các công trình lớn.

Với trách nhiệm là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án thực sự hiệu quả tài chính; quán triệt việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch, bảo đảm lựa nhà đầu tư được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về huy động tín dụng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn của nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục