Bộ trưởng Y tế: Đã tháo gỡ khó khăn về thuốc, mua sắm trang thiết bị

Những vướng mắc về nguồn cung vaccine, mua sắm trang thiết bị y tế đã được Quốc hội và Chính phủ cùng với Bộ Y tế tháo gỡ cho các đơn vị, bệnh viện trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hàng loạt vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực y tế như nguồn cung vaccine; chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế… đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31/5.

Đảm bảo đủ nguồn cung vacccine

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước tới lĩnh vực y tế, với mong muốn ngành y tế phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân.

Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau đại dịch, lĩnh vực y tế đã bộc lộ những khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ, giải quyết.

Theo bà Lan, ngành y tế với quyết tâm cao nhất đã, đang và sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Những nội dung các đại biểu quan tâm cũng là những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước quan tâm sâu sắc.

Liên quan đến việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, theo bà Lan, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí để thực hiện mua sắm tập trung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV… Trong đó, với các vaccine sản xuất trong nước gồm 9 loại, các vaccine này chỉ có 1 nhà sản xuất trong nước, đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng với tất cả các loại vaccine sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Đối với các vaccine nhập khẩu 5 trong 1, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vaccine đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Giai đoạn 2021-2022, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách Trung ương sang giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã có Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách Trung ương, thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho 2 năm 2021 và 2022.

Cho rằng năm 2022, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nội dung của chương trình ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc.

[Đại biểu Quốc hội: Đến khi nào đảm bảo vaccine tiêm chủng mở rộng?]

Trên cơ sở này, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, trong đó đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ chương trình mục tiêu y tế dân số về thường xuyên để mua vaccine chương trình mở rộng, thuốc chống lao cho đối tượng không có bảo hiểm y tế, thuốc ARV và vitamin cho trẻ em.

Tuy nhiên, các nhiệm vụ chương trình mục tiêu y tế dân số chuyển thành chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công phân cấp ngân sách Nhà nước thì Bộ Y tế không được phân cấp để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine "gối đầu" từ năm 2022 sang đến nay, đối với các vaccine sản xuất trong nước chương trình vaccine tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đảm bảo đủ số lượng vaccine cho năm 2022 và "gối đầu" đến tháng 7/2023; riêng vaccine viên gan B, vaccine phòng lao đến tháng 8/2023; các vaccine viêm não Nhật Bản, rubela đủ dùng đến quý 3-4/2023; vaccine uốn ván thực hiện tiêm đủ các tuyến đến hết năm nay.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vaccine sẵn có tại các điểm tiêm chủng của xã phường. Đối với các thuốc Lao, ARV, vitamin liều cao, Bộ Y tế đã làm việc với các nhà tài trợ và sử dụng nguồn thuốc sẵn có để đảm bảo cung ứng đủ cho các địa phương.

Đã gỡ khó khăn về trang thiết bị y tế

Liên quan đến các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, theo Bộ trưởng Y tế, trong thời gian, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, nghị định, thông tư của các bộ, ngành để giải quyết vấn đề này. Đến nay, các văn bản này đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc đảm bảo cơ sở pháp lý để cho các cơ sở triển khai thực hiện.

“Để thể chế hóa các nội dung này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo sẽ đưa vào nội dung các luật để trình Quốc hội trong thời gian tới đây,” người đứng đầu ngành Y tế thông tin thêm.

[Bộ Y tế dự thảo hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế]

Về đảm bảo nguồn cung thực hiện theo Nghị quyết 80 của Quốc hội, Bộ Y tế đã gia hạn được 10.572 thuốc và đến nay cả nước đã có hơn 22.000 thuốc đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thông tư 07 của Chính phủ ban hành cũng đã tháo gỡ khó khăn về trang thiết bị y tế và đến nay cũng đã đảm bảo.

Đề cập đến vấn đề tâm lý và triển khai thực hiện mua sắm, theo bà Lan, vừa qua, rất nhiều đơn vị, cơ sở y tế tập trung triển khai văn bản chỉ đạo của Trung ương và đến nay cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn vướng mắc. Đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 7.000-8.000 bệnh nhân/ngày và đến nay đã đáp ứng nhu cầu về thuốc và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thừa nhận trong thực tiễn vẫn còn một số nơi e ngại, né tránh trong quá trình thực hiện mua sắm và đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục