Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm, cách ly với người đi lại giữa các vùng

Trong văn bản gửi các địa phương, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các biện pháp áp dụng đối với từng trường hợp người dân đi từ khu vực nguy cơ cao, rất cao sang vùng nguy cơ thấp và ngược lại.
Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm, cách ly với người đi lại giữa các vùng ảnh 1Cảnh sát giao thông tại Kiên Giang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát nút giao tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi với tuyến tránh thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 3/10, Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ.

Đối với người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn:

Với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương): trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) - hay còn gọi xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để phát hiện ARN của virus SAR-CoV-2 trong bệnh phẩm đường hô hấp; hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

[Đồng Tháp: Xét nghiệm và cách ly có thu phí với người về tự phát]

Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19: trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú; hướng dẫn người dân thực hiện Thông điệp 5K và làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn định kỳ 2-3 ngày/lần hoặc tổ chức xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5-7 ngày/lần cho người dân đến khi đủ 14 ngày.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

Đối với người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới:

Tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn: Với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương), thực hiện Thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thực hiện Thông điệp 5K, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tiếp theo.

Thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Cơ sở y tế thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

Bộ Y tế cũng nêu rõ: Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn, Sở Y tế trên địa bàn tiếp nhận người đến dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch, thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch cần áp dụng tại nơi đến, phối hợp với các tỉnh thành phố khác tổ chức đưa đón người dân có tổ chức, chu đáo, an toàn, đảm bảo các nguyên tắc về phòng chống dịch COVID-19./.

Biểu đồ  các vùng xanh, đỏ  (tính đến 4/10/2021)

*Vùng xanh:

- 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.

- 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.

*Vùng nguy cơ, nguy cơ cao và vùng đỏ (có ca cộng đồng những ngày gần đây): 43 tỉnh, thành phố

-Miền Nam: 24 tỉnh, thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Trà Vinh

-Miền Bắc: 7 tỉnh, thành phố
Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa

-Miền Trung-Tây Nguyên: 12 tỉnh, thành phố

Quảng Bình, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục