Ngày 16/5, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã hoan nghênh việc Chile rút lại căn cứ quân sự tại khu vực biên giới, đồng thời bày tỏ hy vọng với hành động này Santiago muốn gửi tới La Paz thông điệp không muốn đối đầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại lễ bổ nhiệm Tổng Thư ký Cơ quan Bảo vệ sông Silala, khu vực có tranh chấp với Chile, Tổng thống Morales khẳng định thông tin về việc nước láng giềng thiết lập căn cứ quân sự tại Cariquima cũng như trang bị nhiều vũ khí tối tân, hiện đại là do chính các phương tiện truyền thông và Bộ Quốc phòng Chile đưa ra.
Trước đó, ngày 8/5, Tổng thống Morales tố cáo Chile đang đe dọa an ninh nước này với việc xây dựng một căn cứ quân sự cách đường biên giới chung 15 km, gần khu vực con sông Silala đang có tranh chấp giữa hai nước.
Ông khẳng định Silala là con sông tự nhiên bắt nguồn từ các con suối trong khu vực rừng ngập nước của Bolivia chứ không phải là một nguồn nước quốc tế như phía Chile vẫn đề cập, đồng thời tố cáo nước láng giềng sử dụng trái phép nguồn nước con sông này phục vụ các hoạt động khai thác khoáng sản.
Nhà lãnh đạo Bolivia cũng tố cáo việc Chile xây dựng căn cứ quân sự chỉ cách biên giới 15 km vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh chủ quyền Bolivia. Chính phủ Bolivia từng cho rằng trong suốt hơn 100 năm qua, Chile đã sử dụng nguồn nước ngọt từ con sông này mà không thanh toán cho Bolivia theo thỏa thuận giữa hai nước về nguồn nước trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Reymi Ferreira dọa tố cáo việc Chile thiết lập căn cứ quân sự tại khu vực biên giới ra trước Hội đồng Quốc phòng Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).
Bộ Ngoại giao Chile đã ra thông cáo bác bỏ tin này, tuy nhiên thừa nhận các hoạt động tuần tra biên giới ở khu vực nói trên đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tội phạm như ma túy và buôn lậu từ Bolivia.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Morales tuyên bố kiện Chile ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan đến cuộc tranh chấp về nguồn nước sông Silala.
Ông cho biết từng yêu cầu Santiago nghiên cứu việc chia sẻ lợi nhuận việc sử dụng nguồn nước con sông này nhưng đã không được nước láng giềng đáp ứng, buộc La Paz phải tiến hành các hành động pháp lý tại ICJ. Đây là vụ tranh chấp chủ quyền thứ hai của nước này với Chile tại ICJ.
Tháng 4/2013, Bolivia cũng đã khởi kiện Chile tại ICJ, trong đó La Paz yêu cầu mở một đường ra biển có chủ quyền của Bolivia đi qua lãnh thổ nước láng giềng Chile.
Trước đó, giới chức Bolivia từng tuyên bố vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Chile không chỉ dừng lại ở việc La Paz yêu cầu mở một đường ra biển có chủ quyền, mà còn nhiều vấn đề không công bằng khác mà nước này luôn bị Chính phủ Chile gây sức ép.
Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400 km bờ biển và 120.000km2 các tỉnh giáp biển giàu tài nguyên vào tay Chile.
Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đã mất, tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về các điều khoản này./.