Bước tiến vững chắc để thực thi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), được thông qua vào năm 2017, đã được nhiều nước lần lượt phê chuẩn bất chấp sự phản đối của các cường quốc hạt nhân lớn.
Bước tiến vững chắc để thực thi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân ảnh 1Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc. (Nguồn: ploughshares.org)

Theo Kyodo/AP, bất chấp sự phản đối của Mỹ cùng các đồng minh và nhiều cường quốc hạt nhân khác, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đang ghi nhận những bước tiến vững chắc để bắt đầu được thực thi vào đầu năm tới.

Hãng tin Kyodo dẫn lời một chuyên gia về chống hạt nhân cho biết Hiệp ước cấm hạt nhân được Liên hợp quốc thông qua sắp đạt đủ 50 sự phê chuẩn cần thiết khi một quốc gia (không được nêu tên) sẽ hoàn tất 1 trong 3 sự phê chuẩn cần thiết cuối cùng trong những ngày tới để hiệp ước bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, hãng AP cho biết Mỹ vẫn đang hối thúc các quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này rút lại sự ủng hộ của họ, trong bối cảnh giới chuyên gia dự kiến điều kiện 50 nước phê chuẩn có thể sẽ đạt được trong tuần này.

Theo Kyodo, TPNW, được thông qua vào năm 2017, đã được nhiều nước lần lượt phê chuẩn bất chấp sự phản đối của các cường quốc hạt nhân lớn. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày được phê chuẩn bởi ít nhất 50 quốc gia và khu vực.

Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành Chiến dịch Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân Quốc tế, một liên minh các tổ chức phi chính phủ, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc về hiệp ước này trong khoảng 1 thập kỷ song trên thực tế, công việc này đã kéo dài khoảng 75 năm kể từ những vụ tấn công kinh hoàng vào Hiroshima và Nagasaki."

Nhấn mạnh về những tiến triển hướng tới việc kiềm chế các vũ khí hạt nhân như là Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân và các cơ chế giảm thiểu vũ khí hạt nhân khác, bà Fihn cho biết “luôn thiếu một khuôn khổ pháp lý, một sự cấm đoán thực sự theo luật pháp quốc tế giống như cách mà chúng ta cấm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác."

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt nghi vấn về khả năng hiệu quả của hiệp ước cấm hạt nhân này, bởi nó sẽ không bao gồm bất cứ thành viên nào trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ - tất cả đều là các nhà nước sở hữu hạt nhân.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới đã hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, đã quyết định không ký vào hiệp ước khi cân nhắc đến các mối quan hệ an ninh của mình với Mỹ.

Trong khi đó, đa số trong 47 quốc gia và khu vực đã phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đều là các nhà nước nhỏ ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Đại Dương. Quốc gia thành viên mới nhất phê chuẩn hiệp ước này là Tuvalu hôm 12/10. Nước này đã đưa ra một tuyên bố chung cùng với các đảo quốc nhỏ khác ở Thái Bình Dương, nhấn mạnh về những hệ quả mà khu vực phải hứng chịu từ các vụ thử nghiệm hạt nhân của Anh, Pháp và Mỹ.

Về phần mình, Mỹ không những không phê chuẩn hiệp ước này mà thậm chí còn lên tiếng kêu gọi các nước đã phê chuẩn từ bỏ nó.

Trong bức thư Mỹ gửi đến những nước này mà AP có được, Washington cho biết 5 cường quốc hạt nhân đầu tiên là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - cùng với các đồng minh NATO của Mỹ đều nhất trí phản đối những “tác dụng ngược” của hiệp ước này.

Beatrice Fihn, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2017 tiết lộ với AP hôm 20/10 rằng một số nguồn tin ngoại giao đã xác nhận họ cùng những nước đã phê chuẩn TPNW đã nhận được thư của Mỹ đề nghị họ rút lại sự ủng hộ này.

Mỹ nói rằng hiệp ước này đang “đi ngược lại quy trình kiểm tra và giải giáp vũ khí hạt nhân và rất nguy hiểm” với Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân đã có tuổi đời một nửa thế kỷ và được coi là nền tảng của những nỗ lực không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu.

[Nhật Bản sẽ không tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ]

Bức thư viết: “Mặc dù chúng tôi công nhận quyền chủ quyền của các bạn khi phê chuẩn hoặc tán thành TPNW, chúng tôi vẫn tin là các bạn đã phạm phải một sai lầm chiến lược và nên rút lại ngay sự phê chuẩn hoặc tán thành này của mình."

Bà Fihn cũng bác bỏ lập luận của các cường quốc hạt nhân rằng hiệp ước này sẽ cản trở Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân, gọi đó là những lời “dối trá rõ rệt."

Bà nhấn mạnh: “Họ chẳng có cơ sở thực tế nào để biện minh cho điều đó. Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân là nhằm ngăn ngừa sự tràn lan của vũ khí hạt nhân và loại trừ vũ khí hạt nhân, và hiệp ước này thực thi những điều đó. Không lý nào Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân lại bị suy yếu bởi việc cấm vũ khí hạt nhân. Đó là mục đích cuối cùng của Hiệp ước Không phổ biến."

Theo bà, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump gây sức ép lên các quốc gia để họ phải rút khỏi một hiệp ước được Liên hợp quốc ủng hộ là một hành động chưa từng thấy trong các mối quan hệ quốc tế.

TPNW được Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên thông qua vào ngày 7/7/2017 với 122 phiếu ủng hộ, trong đó Hà Lan phản đối còn Singapore bỏ phiếu trắng.

Trong số các quốc gia ủng hộ còn có cả Iran. Năm cường quốc hạt nhân và 4 quốc gia khác được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, cùng với nhiều đồng minh của họ - đã tẩy chay các cuộc đàm phán và bỏ phiếu về hiệp ước này.

Theo hiệp ước, tất cả các quốc gia đã phê chuẩn “không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, hoặc mua, sở hữu hay tích lũy vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác dưới bất cứ hoàn cảnh nào."

Hiệp ước cũng cấm mọi hoạt động chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị nổ hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục