Các doanh nghiệp Đức xem xét chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài

Chi phí nhân công và các chi phí khác tại Đức cao là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh sang các địa điểm có chi phí thấp hơn.
Các doanh nghiệp Đức xem xét chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài ảnh 1Gói hỗ trợ năng lượng của chính phủ Đức chưa đủ sức thuyết phục một số doanh nghiệp từ bỏ kế hoạch chuyển ra nước ngoài. (Ảnh: THX/TTXVN)

Gói hỗ trợ về năng lượng trị giá 200 tỷ euro (197 tỷ USD) của Đức sẽ hỗ trợ có giới hạn cho các doanh nghiệp và không thể ngăn cản các doanh nghiệp đang xem xét chuyển cơ sở sản xuất đến những địa điểm có chi phí thấp hơn ở nước ngoài. 

Chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ về năng lượng trong tháng trước, trong đó có việc giảm đà tăng giá năng lượng và cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Ông Mads Ryder, Giám đốc điều hành Rosenthal, nhà sản xuất các sản phẩm sứ và đồ gia dụng khác của Đức, cho biết gói hỗ trợ trên sẽ không làm thay đổi kế hoạch của công ty trong việc tìm kiếm các địa điểm sản xuất ở nước ngoài.

Rosenthal ra đời 143 năm trước và nay đang xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất ra nước ngoài để giảm chi phí.

Theo ông Ryder, kế hoạch hãm phanh đà tăng giá năng lượng chưa đủ rõ ràng để thuyết phục Rosenthal xem xét lại các kế hoạch.

Trong tuần này, Chính phủ Đức dự kiến công bố chi tiết về giảm đà tăng giá năng lượng và các biện pháp khác trong gói hỗ trợ có thời gian thực hiện đến mùa Xuân năm 2024.

Chi phí nhân công và các chi phí khác tại Đức cao là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh sang các địa điểm có chi phí thấp hơn ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu hoặc ở các khu vực khác hoặc xem xét một động thái như vậy.

[Đức nguy cơ rơi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài]

Ông Lars Feld, Cố vấn kinh tế của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, cho rằng khủng hoảng năng lượng, với giá khí đốt tăng mạnh sau khi Nga dừng cung cấp cho châu Âu do xung đột tại Ukraine, đang khiến những quyết định như vậy được đưa ra.

Theo ông Feld, các doanh nghiệp đang chờ xem kế hoạch hãm phanh đà tăng giá năng lượng có mang lại hiệu quả.

Cách này sẽ có tác dụng lớn về mặt tâm lý nhưng sẽ không thể đưa giá năng lượng về mức trước xung đột.

Theo một khảo sát của nghiệp đoàn IG Metall trong tháng trước, khi các nhà sản xuất tại Đức đang đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng đến 10 lần so với hai năm trước, 1/5 số doanh nghiệp nhận thấy nguy cơ chuyển ít nhất là một phần hoạt động ra nước ngoài.

Giá năng lượng cao góp phần đưa lạm phát giá tiêu dùng tại Đức tăng lên 10,9% trong tháng Chín, mức cao nhất trong hơn 25 năm, từ đó làm tăng sức ép tăng lương, kéo chi phí nhân công lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục