Các máy xạ trị tại bệnh viện K hoạt động quá tải gấp 4-5 lần

Mỗi ngày, Khoa Xạ trị (Bệnh viện K) tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm.
Các máy xạ trị tại bệnh viện K hoạt động quá tải gấp 4-5 lần ảnh 1Chẩn đoán đặc trị điều trị cho bệnh nhân ung thư. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hiện nay, tại Bệnh viện K thường xuyên trong tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h.

Mỗi ngày, Khoa Xạ trị (Bệnh viện K) tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm.

[Các nhà khoa học Nga và Thụy Điển tìm ra cách diệt tế bào ung thư]

Ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết như vậy tại hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư,” diễn ra ngày 18/12 tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bệnh viện K, những năm gần đây, số lượng người bệnh mắc ung thư đến bệnh viện điều trị ngày càng gia tăng. Năm 2015, bệnh viện tiếp nhận hơn 11.700 bệnh nhân, năm 2016 là hơn 12.000 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017), bệnh viện đã điều trị cho hơn 15.000 người bệnh. Chính vì vậy, bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục suốt ngày đêm.

Thông tin về việc sử dụng trang thiết bị trong điều trị cho bệnh nhân ung thư theo ông Thuấn, trước năm 2017, Bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, Bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện K cho hay: "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi máy xạ trị nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày. Nhưng thực tế, một ngày ở Bệnh viện K, một máy phải xạ trị lên tới 150, thậm chí 200 bệnh nhân. “Các máy làm việc liên tục đến 23 giờ/ngày. Chỉ có một, hai tiếng máy sẽ nghỉ để bảo dưỡng, bảo trì”, ông Thuấn nói.

Chính vì vậy, bệnh viện đang nghiên cứu và thúc đẩy mọi mặt để ứng dụng phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư. Đây là là phương pháp tiến tiến, hiện đại và an toàn đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phân tích, phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa trong khi rất ít tác dụng phụ.

"Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan, cụ thể là trên 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80-90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến..." Thứ trưởng Cường cho hay.

Trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng dành thời gian tiếp Ban Tổ chức và các chuyên gia ung thư đến từ nhiều nước chia sẻ kết quả hội thảo và cùng bàn về phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K./.

Chiều 18/12, tại Bệnh viện K Trung ương cũng đã diễn ra chương trình Hội chợ hoa hướng dương dành cho bệnh nhân ung thư.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Vì sức khỏe người Việt do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI tổ chức.

Hội chợ với mong muốn tạo ra sân chơi vui vẻ, ý nghĩa dành cho hơn 1.000 người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Trung ương.

Tại hội chợ, có 10 quầy hàng hoa hướng dương như thế với hơn 3.000 sản phẩm được bán với giá chỉ 1.000 đồng dành cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Những món đồ thiết thực được chia thành các quầy hàng thời trang, lưu niệm, tiêu dùng, ẩm thực, sách báo, dược phẩm…/.
86% ca ung thư phổi sống sau 3 năm xạ trị bằng proton
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục