Campuchia: Hoạt động kinh doanh bình thường trở lại sau 2 năm COVID-19

Hoạt động hội chợ, triển lãm sản phẩm và hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia cho thấy hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường trên đất nước Chùa Tháp sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Campuchia: Hoạt động kinh doanh bình thường trở lại sau 2 năm COVID-19 ảnh 1Người dân Campuchia tham quan, tìm hiểu, mua sắm tại gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Hoạt động hội chợ, triển lãm sản phẩm và hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia lần thứ 15 năm 2022, diễn ra từ ngày 16-18/12 tại Trung tâm hội nghị-triển lãm Koh Pech ở khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh là một trong những chỉ dấu rõ nét cho thấy hoạt động kinh doanh trở lại bình thường trên đất nước Chùa Tháp.

Triển lãm có 268 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản và hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Chhuon Dara, Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, cho biết sự kiện thương mại quy mô quốc tế này có ý nghĩa quan trọng đối với Campuchia, giúp tái khởi động các hoạt động thương mại trong và ngoài nước, mở ra thị trường, cải thiện kết nối kinh tế và đầu tư giữa Campuchia với cộng đồng quốc tế sau một thời gian bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng COVID-19.

“Đây cũng là cơ hội lý tưởng để những người tham gia có thể tìm đối tác thương mại, mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Campuchia, cũng như từ Campuchia về đất nước của họ," ông Chhuon Dara chia sẻ.

[Xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia]

Theo quan chức Bộ Thương mại Campuchia, cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nền kinh tế Campuchia tăng trưởng chậm do nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh, nhất là các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, lữ hành và hàng không dân dụng, trong khi lĩnh vực công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đưa ra các giải pháp đồng bộ giúp vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 thông qua việc xác định tiêm chủng là biện pháp cốt lõi để nhanh chóng đạt được "miễn dịch cộng đồng" và "chung sống với COVID-19 theo quỹ đạo bình thường mới."

Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia nhấn mạnh: “Việc đạt được những thành tựu nhanh chóng đó giúp Campuchia tiến tới khởi động các hoạt động kinh tế xã hội và mở cửa hoàn toàn đất nước như hôm nay."

Ngoài các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong nước, tham gia Triển lãm sản phẩm và hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia lần thứ 15 còn có khoảng 40 doanh nghiệp Việt Nam, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang… Trong số này, có 14 gian hàng của các doanh nghiệp trực thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE).

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Xúc tiến Thương mại HAMEE, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Công nghệ Ánh Dương Sài Gòn, các doanh nghiệp trực thuộc HAMEE mong muốn quảng bá sản phẩm, giới thiệu các mặt hàng Việt Nam, thiết lập quan hệ bạn hàng, ký kết hợp đồng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Campuchia: Hoạt động kinh doanh bình thường trở lại sau 2 năm COVID-19 ảnh 2Người dân Campuchia tham quan, tìm hiểu, mua sắm tại gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, từ đó lập kế hoạch thâm nhập và phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Campuchia.

“Với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dân số trẻ, lực lượng lao động lớn, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước Việt Nam và Campuchia có thể thúc đẩy hợp tác trên các các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ nano, vật liệu mới… tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước,” Trưởng ban Xúc tiến thương mại HAMEE chia sẻ.

Hoạt động hội chợ triển lãm được Campuchia tái khởi động trong bối cảnh các cơ quan chức năng ở quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, xuất khẩu nông sản, nhằm đẩy nhanh đà phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Tan Yuvaroat, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại Campuchia), để định hướng, tạo điều kiện thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu của các nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, với sự tham mưu của Bộ Thương mại, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập một Ban chuyên trách nghiên cứu tối ưu hóa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, trước mắt là đối với thị trường Trung Quốc.

Campuchia đã xác định 10 mặt hàng nông sản tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, bao gồm lúa gạo, sắn (khoai mì), chuối, nhãn Peilin, xoài, hạt điều, thịt, mủ cao su, dứa (khóm) và hồ tiêu.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Campuchia đã và đang chú trọng phát triển các sản phẩm trong nước theo hướng có khả năng thâm nhập thị trường nội địa hiện đại và hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước gần xa.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục