Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng' về xây dựng, giao thông tại TP.HCM

Xây dựng không phép, sai phép là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đề cập đến trong phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình.
Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng' về xây dựng, giao thông tại TP.HCM ảnh 1Toàn cảnh kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Sáng 13/7, kỳ họp thứ 15, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc các Sở Xây dựng thành phố Lê Hòa Bình và Giám đốc Sở Giao thông Vận tại thành phố Trần Quang Lâm về các nội dung liên quan đến công tác quản lý ngành.

Xử lý nghiêm đối tượng cố tình vi phạm

Xây dựng không phép, sai phép là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đề cập đến trong phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Lê Hòa Bình và đặt ra yêu cầu cần có giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề này.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi xây dựng không phép, sai phép xảy ra nhiều ở các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, có phải do quy hoạch chưa hợp lý hay do vướng mắc trong cấp phép xây dựng ở địa phương?

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng thành phố thông tin về vi phạm trong xây dựng 110 căn biệt thự ở Quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết nguyên nhân của vi phạm trật tự xây dựng có phần do quy hoạch chưa theo kịp phát triển, một mặt do lực lượng thanh tra chưa hiệu quả. Riêng thiếu sót của dự án 110 căn biệt thự ở Quận 7, ông Lê Hòa Bình cho biết là ở giai đoạn thực hiện đầu tư. Công trình này đã được chấp nhận đầu tư, được phê duyệt quy hoạch, thẩm định thiết kế.

Theo quy định, chủ đầu tư có 60 ngày để bổ sung các thủ tục pháp lý còn thiếu sót.

"Có thiếu sót này, Sở nhận trách nhiệm và sẽ kiểm tra lại toàn bộ quá trình đầu tư, thực hiện dự án theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố," Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình nhận trách nhiệm.

[Xây dựng không phép, sai phép: Vì sao 'con voi vẫn chui lọt lỗ kim'?]

Nói thêm về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Võ Văn Hoan, phải nhận diện đúng vấn đề để có hướng giải quyết hiệu quả. Cốt lõi vẫn đề không phải ở việc xây dựng không phép, trái phép của người dân, mà thực chất là ở việc “đầu nậu,” "cò đất" cố tình vi phạm và lôi kéo người dân mua bán khi không đủ giấy tờ pháp lý mới là đối tượng cần phải xử lý nghiêm.

Người dân mua đất cũng chỉ là nạn nhân, bị lừa mua và đưa vào hoàn cảnh đối diện với chính quyền. Trong khi đó việc phát hiện các vi phạm này chậm do cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chưa chặt chẽ; sau khi phát hiện cũng xử lý chưa tới nơi tới chốn.

Riêng vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khi mua căn hộ do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các thủ tục liên quan, theo ông Võ Văn Hoan, về lâu dài thành phố xem xét nhà đầu tư cẩn trọng, toàn diện từ tài chính đến văn hóa trong kinh doanh để khi triển khai dự án phải đủ lực. Nếu chủ đầu tư làm ăn gian dối, sẽ không cho tiếp tục triển khai các dự án trong một thời gian.

Riêng xử lý trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Võ Văn Hoan cho biết Công an Thành phố cùng Sở Tư pháp vừa trình dự thảo về vấn đề xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình xây dựng sai phép, không phép với quan điểm xử lý nghiêm, theo từng cấp độ.

Cụ thể, các biện pháp gồm cắt điện, nước; không cho đầu tư các dự án khác; cưỡng chế tài chính qua các tài khoản; không cho phép đi ra nước ngoài, áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Đối tượng “đầu nậu” đầu tư kinh doanh không tới nơi tới chốn, làm ăn gian dối thì cũng bị xử lý hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cho rằng thành phố đã nhận diện đúng đối tượng và cần xử lý nghiêm đối tượng cần xử lý chính là nhóm đầu cơ trục lợi. Tuy nhiên, cần quan tâm tới hướng giải quyết trường hợp người dân nghèo mua nhà ở khu vực xây dựng không phép không đúng quy hoạch. Bởi người dân chỉ là nạn nhân, đồng thời xảy ra việc này có trách nhiệm trong quản lý nhà nước.

“Chúng ta không cổ xúy người dân vi phạm pháp luật, nhưng thực tế nhu cầu về nhà ở của người nghèo là có và chính đáng. Vì vậy, thành phố cần thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, giải quyết tình trạng xây dựng không phép, trái phép," đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.

Đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm

Trong phần chất vấn, các đại biểu đề nghị ngành giao thông vận tải thông tin về phương hướng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm của thành phố, sớm đưa vào sử dụng phục vụ người dân; giải pháp giảm các điểm nghẽn giao thông.

Trao đổi xung quanh các vấn đề đại biểu đề cập, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho rằng giao thông không những là nhu cầu thiết thực của người dân mà là yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố nên đây là vấn đề lớn. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực trong vấn đề này nhưng tình hình chưa đạt kỳ vọng của người dân.

Ông Trần Quang Lâm cho biết trong chương trình đột phá của thành phố về giảm ùn tắc giao thông đề ra thực hiện 172 dự án tổng nguồn lực là 393.000 tỷ. Đến nay, nguồn lực đã được đáp ứng, giải ngân, bố trí gồm vốn ngân sách, vốn ODA, PPP đạt khoảng 47.000 tỷ (15%).

Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng' về xây dựng, giao thông tại TP.HCM ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành phố đã hoàn tất 45 dự án, từ nay đến 2020 sẽ hoàn thành tiếp 22 dự án; giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án.

Với dự án trọng điểm, ngành giao thông tập trung chủ lực vào các dự án đường hướng tâm, đường quốc lộ kết nối thành phố với các vùng, như quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 22 và quốc lộ 13. Tiếp theo là các tuyến đường cụm sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái.

Về hiệu quả của các dự án này, ông Trương Quang Lâm cho biết hiện Sở có mô hình đánh giá mô phỏng giao thông. Như dự báo, thành phố đang có điểm nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực phía nam. Dự báo đến 2021, hướng đi về phía nam và cửa ngõ phía sân bay cụm Trường Chinh-Âu Cơ cũng khó khăn; dự báo đến 2025 khi tuyến metro số 1 đi vào khai thác thì hướng về khu vực phía nam sẽ tiếp tục khó khăn.

Trên cơ sở dự báo cho thấy những dự án mà thành phố đang tập trung triển khai và Hội đồng Nhân dân ưu tiên bố trí vốn là thực sự cần thiết và phải đẩy nhanh để đảm bảo hiệu quả ngay.

Ví dụ, dự án nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Văn Thọ là nút thắt ảnh hưởng sự phát triển của cảng biển của khu vực. Hiện dự án này đã được duyệt và đang duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu, phấn đấu cuối năm nay sẽ khởi công và sẽ hoàn thành vào quý 1/2021.

Đường Huỳnh Tấn Phát - đường vận tải rất lớn, thời gian qua được bố trí vốn và đã làm trước được một đoạn từ cầu Phú Xuân về đường Nguyễn văn Linh; đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh đã được duyệt dự án và thiết kế. Chủ đầu tư đang tổ chức đầu thầu, phấn đấu trong quý 4, chậm nhất tháng 12/2019 sẽ khởi công.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục