Chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc triển khai thi công các dự án đầu tư công

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện.
Chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc triển khai thi công các dự án đầu tư công ảnh 1Thi công cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 156. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 124 ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; trong đó, đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, có khối lượng ra kho bạc thanh toán ngay.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần làm tốt việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng thực hiện dự án.

[Thứ trưởng Bộ KH-ĐT thông tin về giải ngân vốn đầu tư công chậm]

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Năm 2022 cũng là năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26%, tương đương 120.000 tỷ đồng, so với kế hoạch năm 2021; đồng thời, cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết; trong đó, có 3 nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc giải ngân.

Tại các cuộc họp của tổ công tác, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu gồm: nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Từ phân tích, đánh giá một cách khách quan các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp, kịp thời tháo gỡ, xử lý vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đã yêu cầu các bộ, quản lý ngành lĩnh vực phải rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý.

Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực.

Ước tính, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục