Chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ những năm 1990

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 4,1% so với tháng 10/2020, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1991.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ những năm 1990 ảnh 1Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở Rosemead, California, Mỹ, ngày 22/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 24/11 cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo đánh giá lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát sao, đã tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1990 do tình trạng “tắc nghẽn” chuỗi cung ứng.

Theo bộ trên, chỉ số PCE trong tháng 10/2021 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1990.

Trong khi đó, chỉ số PCE cơ bản, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 4,1% so với tháng 10/2020, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1991, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Tuan Nguyen, chuyên gia kinh tế Mỹ tại công ty tư vấn và kiểm toán RSM US LLP, cho biết chỉ số PCE cao kỷ lục sẽ làm gia tăng áp lực lên Fed trong bối cảnh thị trường đang được “ấn định” với các yếu tố chương trình giảm dần mua sắm tài sản với tốc độ nhanh hơn và bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới.

Ông Nguyen dự đoán việc đẩy nhanh chương trình giảm mua tài sản sẽ được nêu ra tại cuộc họp tháng 12 tới, điều sẽ mở ra khả năng về đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến vào khoảng tháng 12/2022, hoặc cũng có khả năng tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2022.

Fed đã cam kết duy trì lãi suất không đổi ở mức thấp kỷ lục gần 0 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

[Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua]

Tuần trước, Fed đã bắt đầu giảm chương trình mua tài sản hàng tháng khoảng 15 tỷ USD trong tổng số 120 tỷ USD theo kế hoạch. Với tốc độ đó, Fed sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 6/2022.

Theo biên bản cuộc họp chính sách gần đây của Fed được công bố ngày 24/11, mặc dù các quan chức Fed “nhìn chung ủng hộ” kế hoạch giảm mua tài sản 15 tỷ/tháng nói trên, song một số quan chức Fed mong muốn đẩy tốc độ nhanh hơn để ngân hàng trung ương có thời gian nâng lãi suất sớm hơn.

Biên bản này cũng cho thấy sức ép lạm phát của Mỹ có thể mất nhiều thời gian để giảm hơn so với các quan chức Fed đã đánh giá trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục