Chiến tranh Lạnh - nấc thang mới sau thương chiến Mỹ-Trung?

Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021 một khi được thông qua được cho là chẳng khác gì lời tuyên bố bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới Mỹ-Trung.
Chiến tranh Lạnh - nấc thang mới sau thương chiến Mỹ-Trung? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo báo Liên hợp Buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc), ngày 14/4 (giờ địa phương), Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nhóm họp để thảo luận và biểu quyết “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” do hai đảng cùng thúc đẩy nhằm tăng cường ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu.

Đây là một đạo luật đặc biệt hoàn toàn nhắm vào sự đe dọa của Trung Quốc; một khi được thông qua, đạo luật này được cho là chẳng khác gì lời tuyên bố bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới Mỹ-Trung.

Sau những bất đồng gay cấn tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung diễn ra ở Alaska, xu thế đối đầu "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước về tâm thế và hành động ngoại giao ngày càng gay gắt, cục diện địa chính trị quốc tế đang "thai nghén" một sự biến đổi nghiêm trọng.

“Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” dài 283 trang, yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường giám sát đối với vũ khí và trang thiết bị vũ trụ của Trung Quốc, tăng cường thông qua đồng minh và cơ chế đa phương để bảo vệ nhân quyền, cũng như kiềm chế Trung Quốc mở rộng xâm hại nhân quyền ở châu Á và trên phạm vi toàn cầu, thắt chặt tài trợ từ Trung Quốc đối với các trường đại học của Mỹ để ngăn chặn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cho Trung Quốc…

Một số Thượng nghị sỹ cấp cao đã hình dung đạo luật là công cụ giúp Mỹ chuẩn bị tốt để ứng phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc trong vài thập kỷ tới. Nói cách khác, đạo luật là chiến lược trung và dài hạn của Mỹ đối với Trung Quốc, và quan điểm xuyên suốt không hề thân thiện.

Lịch sử không lặp lại một cách đơn giản, song lại có thể cung cấp những tham khảo quý báu. Đối với những người am hiểu lịch sử Chiến tranh Lạnh, nội dung của “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” và quan điểm “vài thập kỷ tới” của các Thượng nghị sỹ Mỹ rõ ràng quá đủ để dẫn đến những mường tượng có liên quan.

[Hội đàm Mỹ-Trung: Cuộc gặp dò đường định hình quan hệ song phương]

Sau khi Mỹ xác định Liên Xô là mối đe dọa chủ yếu, nhận thức chung về chính sách đối với Liên Xô được hình thành, lần lượt xuyên suốt 9 đời Tổng thống Mỹ với thời gian kéo dài gần nửa thế kỷ từ Harry S.Truman cho đến George H.W Bush (Bush cha), mãi khi Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, trong suốt quá trình đó cho dù đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ nắm chính quyền, thì về mặt chính sách đều không có sự điều chỉnh quá lớn. Do đó, chỉ cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn đạo luật, cục diện lớn đối đầu Mỹ-Trung cơ bản được xác định.

Cách thức phản ứng của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm sự đối đầu giữa hai chính phủ. Sự dâng cao của làn sóng tâm lý chủ nghĩa dân tộc đã làm thay đổi phương châm ngoại giao “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc.

Một mặt, sức mạnh tích lũy mấy chục năm cải cách mở cửa đã nâng cao tối đa lòng tự tin và cảm giác tự hào dân tộc của Trung Quốc, đồng thời bắt đầu tìm cách có được vị thế và sức ảnh hưởng quốc tế tương xứng với sức mạnh quốc gia, thậm chí muốn tham gia vào việc xây dựng quy tắc quốc tế mới.

Kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây dường như không ngừng gia tăng và mở rộng. Đồng thời việc kết nối với các nước phương Tây mà chủ yếu là Liên minh châu Âu (EU) hiện nay cũng trở nên khó khăn.

Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU (CAI) vốn được coi là đột phá ngoại giao của Trung Quốc cũng đứng trước bờ vực “bế tắc” do phản ứng đáp trả quyết liệt với những biện pháp trừng phạt của EU về vấn đề Tân Cương trong thời gian gần đây.

Tiếp sau Anh và Pháp, Đức tuyên bố sẽ cử tàu chiến đến Biển Đông vào tháng Tám năm nay; những điều đó phản ánh tốc độ và mức độ đảo ngược của quan hệ Trung Quốc và EU.

Sự cố kẹt tàu trên Kênh đào Suez vào tháng Ba đã thể hiện rõ sự mong manh của toàn cầu hóa kinh tế. Xu hướng đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh của chuỗi sản xuất thế giới có thể lan tỏa đến nền tảng kinh tế của cấu trúc địa chính trị hiện có.

Hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế các nước trước khi dịch bệnh bùng phát e rằng sẽ xuất sự thay đổi sâu sắc. Do đó, Trung Quốc với tư cách là công xưởng thế giới có thể sẽ hứng chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ.

Nếu quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây không được cải thiện, thì môi trường đầu tư và thương mại quốc tế đóng vai trò "bức tường lửa" phòng ngừa Chiến tranh Lạnh có thể khó tránh khỏi kịch bản diễn biến xấu.

Đây là lý do khiến các giới quan tâm chặt chẽ đến tiến trình lập pháp “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục