Chính sách của Australia trước những biến động địa chính trị

Thời gian gần đây, Australia không còn hành xử như một “công dân quốc tế tốt” nữa, nhưng đây là một sự thích nghi chiến lược với môi trường khu vực ngày càng phức tạp hơn.
Chính sách của Australia trước những biến động địa chính trị ảnh 1

Thời gian gần đây, Australia không còn hành xử như một “công dân quốc tế tốt” nữa, nhưng đây là một sự thích nghi chiến lược với môi trường khu vực ngày càng phức tạp hơn.

Với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầy thách thức và vai trò lãnh đạo của Mỹ suy giảm, Canberra nên tham gia chiến lược với các quốc gia không được coi trọng lâu nay trong khu vực. Đây là nội dung phân tích về những thay đổi trong chính sách của Australia thời gian qua của Tiến sỹ Gabriele Abbondanza, làm việc tại trường Đại học Sydney, được đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA).

Thế kỷ XX chứng kiến Canberra ủng hộ vững chắc cho điều mà các nhà hoạch định chính sách Australia thường gọi là “trật tự dựa trên luật lệ” nhờ năng lực là một cường quốc bậc trung mạnh mẽ.

Australia đã tham gia tích cực cho việc soạn thảo Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền thông qua cựu Ngoại trưởng Doc Evatt.

Khái niệm cường quốc bậc trung coi trọng hành vi đa phương của các quốc gia, sự tôn trọng luật pháp quốc tế, bản sắc dân tộc thống nhất và năng lực đáng kể nhưng chỉ ở mức thứ hai. Đồng thời, Australia thường xuyên được miêu tả là một “công dân quốc tế tốt,” một thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả các quốc gia tuân thủ luật pháp và hợp tác, đảm bảo lợi ích quốc gia thông qua các giá trị toàn cầu và các chuẩn mực quốc tế.

Australia đã tham gia đấu tranh với phe "Trục phátxít" gồm Berlin-Roma-Tokyo, đóng góp vào trật tự tự do sau chiến tranh, đóng một vai trò đáng kể cùng với Canada trong việc thiết lập khái niệm quyền lực tầm trung tại Liên hợp quốc, thúc đẩy các mục tiêu và phương pháp của Liên hợp quốc nói chung và việc Australia tham gia một số hoạt động hỗ trợ hòa bình do Liên hợp quốc chấp thuận chỉ là những minh họa chính về việc Australia vừa là một cường quốc trung dung, vừa là một công dân quốc tế tốt.

Tuy nhiên, thế kỷ XXI đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính tiến bộ và vững chắc trong chính sách đối ngoại của Australia. Sự thay đổi này được khởi xướng từ vụ khủng bố 11/9/2001, được thúc đẩy bởi những phản ứng sau đó của Mỹ và được hỗ trợ bởi sự phổ biến dần dần của an ninh quốc gia so với các mục tiêu chính sách đối ngoại truyền thống. Những thay đổi này lần đầu tiên được thúc đẩy bởi cựu Thủ tướng John Howard.

Hơn nữa, Australia đã xóa dần đi hình ảnh công dân quốc tế tốt vì một số lý do: chính sách cứng rắn chống lại những người xin tị nạn bằng đường biển; việc tham gia vào các phái bộ không được Liên hợp quốc chấp thuận; sự chuyển đổi chủ nghĩa đa phương toàn cầu thành chủ nghĩa khu vực có chọn lọc; cắt giảm viện trợ nước ngoài; một thái độ gây tranh cãi về giảm thiểu biến đổi khí hậu; và ưu tiên trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo hơn là một xã hội quốc tế dựa trên luật lệ theo Liên hợp quốc.

[Australia mong muốn chính quyền mới ở Mỹ trở lại với Hiệp định Paris]

Những thay đổi này đã đánh giá lại những giả định sâu xa về hình ảnh và vị thế toàn cầu của Australia, vì vị thế hiện tại của Australia là của một “công dân quốc tế trung lập” chứ không phải là “tốt,” điều này cũng tạo cơ hội để thảo luận về bản chất “tinh túy” của Australia, ví dụ địa vị cường quốc bậc trung.

Mặt khác, cần khẳng định ngay từ đầu rằng điều này hầu như không phải do sự thay đổi trong hệ thống giá trị của đất nước mà thay vào đó phải được hiểu là cách Australia thích ứng với trật tự quốc tế thay đổi liên tục, trong đó Canberra cảm thấy dễ bị ảnh hưởng bởi các cường quốc đang trỗi dậy và có hành vi làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực khu vực và toàn cầu.

Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều thách thức hơn

Vào thời điểm bắt đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc có nền kinh tế nhỏ hơn bất kỳ quốc gia G7 nào, ngoại trừ Canada.

Nền kinh tế của Nga chỉ bằng một nửa Australia, Indonesia thậm chí còn nhỏ hơn và Ấn Độ chỉ mới vượt qua Australia gần đây. Chi tiêu quân sự cũng phần nào phản ánh những xu hướng này. Nhưng nhiều điều đã thay đổi kể từ đó.

Hiện nay, Trung Quốc đã vượt trội so với tất cả, ngoại trừ Mỹ, về cả quy mô kinh tế lẫn ngân sách quân sự. Ấn Độ có thể đang trải qua một sự trỗi dậy tương tự và Nga đã phục hồi một phần sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Đáng chú ý, các quốc gia mà trước đây Canberra hạ thấp tầm quan trọng lại đang phát triển nhanh chóng và một vài nước trong số đó có tham vọng và tiềm năng cao hơn nhiều so với những số khác. Indonesia đứng trên nhiều quốc gia, nhưng Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Việt Nam và một số nước khác đều đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể và theo thời gian, các quốc gia này cũng sẽ có tiếng nói trong việc định hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hơn nữa, Australia không chỉ quan tâm đến khả năng gia tăng của các nước láng giềng mà còn quan tâm đến các mục tiêu của những nước này. Trong khi một số quốc gia tích cực duy trì hiện trạng, điển hình là Mỹ, Nhật Bản và Australia, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang thách thức điều đó một cách rõ ràng.

Đặc biệt, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, các hoạt động gây tranh cãi ở Biển Đông và các chương trình viện trợ, đầu tư nước ngoài có khả năng thay đổi động lực xuyên khu vực đến mức chưa từng có.

Mặt khác, các quốc gia có ảnh hưởng khác như Ấn Độ (mặc dù cam kết gắn bó với nhóm Bộ tứ), Indonesia và nhiều quốc gia khác trong ASEAN tìm cách không bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh lưỡng cực Mỹ-Trung, mặc dù các nước này sẵn sàng hưởng những lợi ích kinh tế từ cuộc cạnh tranh này.

Nói tóm lại, đúng là trong thế kỷ 21, Australia không còn là một “công dân quốc tế tốt” nữa, nhưng sự thay đổi này cần được hiểu là một sự thích ứng chiến lược với môi trường khu vực đang có nhiều thách thức hơn trước. Và chính việc vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang suy giảm nhanh chóng đã góp phần khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ đang suy giảm

Cựu Thủ tướng Australia Robert Menzies từng cho rằng “Australia luôn cần những người bạn tuyệt vời và mạnh mẽ.”

Chính sách của Australia trước những biến động địa chính trị ảnh 2Cựu Thủ tướng Australia Robert Menzies

Kể từ Chiến tranh thế giới II, Canberra theo truyền thống hướng về phía Đông Bắc vì an ninh của mình, và bất chấp những rủi ro bị cô lập và bỏ rơi, lựa chọn này đã đảm bảo an ninh của đất nước trong hơn 70 năm. Sự phụ thuộc này được thể hiện rõ ràng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Australia qua nhiều thời kỳ miễn là các điều khoản cam kết với Washington không thay đổi.

Tuy nhiên, điều này có thể không còn xảy ra nữa. Cái gọi là "hiệu ứng Trump" đã được mô tả là “phong cách hoạch định chính sách đối ngoại ‘mang tính kinh doanh’ và thường hỗn loạn của ông Trump, cộng với các cuộc công kích của ông vào các đồng minh khác của Mỹ, đã gây nghi ngờ về sự sẵn sàng của Mỹ trong việc tiếp tục thực hiện cái gọi là ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.’

Thực tế, một số chính sách mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đã đi ngược lại những gì mà các nhà hoạch định chính sách của Australia đã nhiều lần cân nhắc vì lợi ích quốc gia.

Các ví dụ có thể kể đến gồm quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khả năng rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng với các đồng minh lâu đời, bao gồm cả các nước trong Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chắc chắn, quan hệ Australia-Mỹ vẫn rất vững chắc: hai nước đã cải thiện khả năng tương tác quân sự và tiếp tục hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc thiếu vắng sự lãnh đạo rõ ràng của Mỹ chắc chắn khiến Australia rơi vào nỗi sợ hãi thường trực bị bỏ rơi vào thời điểm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở nên nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Dư luận cũng cảm nhận được vấn đề này, như một cuộc thăm dò năm 2019 của Viện Lowy cho thấy 66% người dân Australia tin rằng “Donald Trump đã làm suy yếu quan hệ đồng minh của Australia với Mỹ.”

Một tổng thống khác của Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2020 hoặc 2024 có thể đưa mối quan hệ song phương trở lại bầu không khí tin cậy lẫn nhau trước đây, nhưng vì kết quả bầu cử năm 2020 vẫn chưa được công bố, nên còn quá sớm để cân nhắc những vấn đề như vậy.

Điều gì tiếp theo?

Hiện nay, câu hỏi quan trọng là: điều gì tiếp theo? Thật khó để đưa ra dự đoán trong thời điểm đầy biến động như hiện nay vì các vấn đề khu vực và toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.

Mặc dù đúng là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tác động đáng kể đến tình trạng hỗn loạn hiện nay trong quan hệ quốc tế, song cũng đúng khi cho rằng Australia có cơ hội vượt qua những khó khăn do các yếu tố bên trong và bên ngoài chi phối để xây dựng quan hệ chiến lược với một số cường quốc đang lên trong khu vực và những nhà lãnh đạo tương lai mà trong lịch sử đã bị Canberra bỏ qua.

Nói tóm lại, trọng tâm mới này đặt vào Nam Á cuối cùng sẽ đóng vai trò quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chiến lược. Để đạt được điều đó, hoạt động của Bộ Tứ đang đi đúng hướng, mặc dù sự gắn kết bên trong vẫn còn quá yếu để biến Bộ Tứ thành một nền tảng đáng tin cậy.

Nếu Australia có thể chứng minh rằng những người bạn mới và cũ không loại trừ lẫn nhau và “tự do và rộng mở” có thể bao gồm phần lớn các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên thực tế cũng như trên lý thuyết, Australia một lần nữa có thể đảm bảo một tương lai thịnh vượng và an toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục