Chính sách đối ngoại của Malaysia: Lấy đa phương hóa làm trọng tâm

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Malaysia.
Chính sách đối ngoại của Malaysia: Lấy đa phương hóa làm trọng tâm ảnh 1Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc họp báo tại Putrajaya ngày 9/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Sự thay đổi mang tính lịch sử của Chính phủ Malaysia vào tháng 5/2018 khi đưa cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad nằm quyền trở lại được hỗ trợ bởi rất nhiều các đảng và lợi ích dưới cái tên Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng).

Theo phân tích của Elina Noor, Phó Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu (Mỹ), chính sách đối ngoại của Malaysia chủ yếu sẽ vẫn đi theo đường lối cũ với một số thay đổi nhỏ.

Phương hướng này đã được khẳng định thông qua việc ban hành Khung chính sách đối ngoại của Malaysia Thời kỳ mới vào quý 3/2019. Với những thay đổi mang tính tiếp nối, đây là lần ban hành chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Malaysia dưới sự điều hành của Chính phủ mới.

Sự tiếp nối này sẽ bao gồm việc Malaysia chú trọng đến chính sách trung lập; tình trạng không liên kết và các thỏa thuận mang tính thực chất với Mỹ và Trung Quốc; việc lấy ASEAN làm trung tâm và phản đối chủ nghĩa bá quyền; phát triển kinh tế thông qua các mối quan hệ thương mại...

Đồng thời, chính phủ đang cải tổ chính sách “Hướng Đông” trước đây và đưa ra một cách tiếp cận mang tính tham vấn nhiều hơn cho việc hoạch định chính sách đối ngoại.

Chính sách đối ngoại mới không nhiều thay đổi

Trong bài phát biểu của ông Mahathir tại Tokyo vào tháng 6/2018, sau khi trở lại nắm quyền Thủ tướng Malaysia, ông cho biết, mặc dù chính phủ có sự thay đổi, chính sách đối ngoại với các quốc gia khác sẽ được duy trì. 

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Malaysia sẽ nghiêng về bên này hay bên khác trong cuộc cạnh tranh giành quyền vị trí số một trong khu vực giữa các cường quốc, thông điệp của Thủ tướng đưa ra rất rõ ràng: Quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia sẽ vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Malaysia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Thông điệp này tiếp tục được nhắc lại xuyên suốt Khung chính sách mà Thủ tướng đã ban hành vào tháng 9/2019. Khung chính sách này được xây dựng dựa trên bốn hợp phần chính-đường lối chính sách đã được nhắc đến trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc của ông Mahathir vào năm 2018, việc trao quyền cho Bộ Ngoại giao, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong việc hoạch định chính sách đối ngoại.

Khung chính sách đưa ra ba yếu tố trong lợi ích quốc gia làm cơ sở nền tảng cho chính sách đối ngoại của Malaysia: An ninh, kinh tế, và bản sắc dân tộc. Những yếu tố này được duy trì ở cả cấp độ quốc tế dựa trên những nguyên tắc cơ bản mà đất nước luôn tuân theo trong quá trình triển khai các mối quan hệ đối ngoại-quan hệ cởi mở, tự do thương mại và thượng tôn pháp luật.

Dân chủ hóa chính sách đối ngoại

Một sự thay đổi quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại dưới thời chính phủ của Thủ tướng Mahathir là mức độ hợp tác với các bên khác thông qua Bộ Ngoại giao, và sự khẩn trương của chính phủ trong việc thu hút sự tham gia của họ.

Trong khi trước đây đã từng có những nỗ lực tham vấn các bên này để giải quyết một số thách thức về thể chế trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah và chính phủ của Thủ tướng Mahathir đã cam kết hợp tác sâu rộng hơn với các bên khác chỉ sau vài tháng kể từ khi ông nhậm chức.

Khung chính sách là một ví dụ tiêu biểu về sự hợp tác ở cấp độ mới, chỉ sáu tháng sau khi Bộ ngoại giao tham vấn với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ. Bộ đã nhận được ý kiến đóng góp từ một Hội đồng tư vấn về Chính sách đối ngoại gồm 15 thành viên, bao gồm các chuyên gia chính phủ và phi chính phủ trong các lĩnh vực khác nhau. 

Ngoài ra, Khung chính sách cũng đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban Nghị viện Chọn lọc. Khung chính sách chỉ ra rằng nghị viện, với tư cách là “tiếng nói cao nhất đại diện người dân,” cần có một nhóm thành viên thành thạo và quan tâm đến các vấn đề chính sách đối ngoại, những người có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị cho Bộ này.

Khung chính sách cho thấy rõ việc lấy người dân làm trung tâm và có nguyên một phần về tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự và công chúng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại. Điều này rõ ràng nhằm thể hiện cam kết của chính phủ của Liên minh Hy vọng đối với các nguyên tắc dân chủ và quản trị tốt.

Chính sách đối ngoại của Malaysia: Lấy đa phương hóa làm trọng tâm ảnh 2Một góc Kuala Lumpur. (Nguồn: thecrazytourist.com)

Tổ chức lại các mối quan hệ đối ngoại

Trong bối cảnh có nhiều suy đoán về lập trường của Malaysia, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược hiện nay, Khung chính sách này đã khẳng định rõ tình trạng không liên kết của Malaysia.

Khung chính sách nêu rằng Malaysia sẽ “triển khai chính sách và cách tiếp cận không liên kết” trong các mối quan hệ của họ với các cường quốc và hợp tác với các quốc gia có cùng hệ tư tưởng để đảm bảo rằng các quốc gia có thể tham gia vào các vấn đề toàn cầu “trên cơ sở bình đẳng mà không chịu áp lực từ bất cứ cường quốc nào.”

Về mặt địa lý, các mối quan hệ với những nước láng giềng gần gũi nhất đóng vai trò quan trọng với Malaysia. Tuy nhiên, ở châu Á-Thái Bình Dương, Malaysia được bao quanh bởi các quốc gia lớn và hùng mạnh hơn nhiều.

Do vậy, để triển khai một chính sách đối ngoại độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, Malaysia tập trung chủ yếu vào việc giữ gìn và thúc đẩy lợi ích trên trường quốc tế. Malaysia cũng đi theo chủ nghĩa đa phương hóa một cách có chiến lược cũng như tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Như vậy, tính trung tâm của ASEAN và tính toàn vẹn của trật tự toàn cầu ràng buộc tất cả các bên một cách công bằng có tầm quan trọng bậc nhất với Malaysia.

Thủ tướng Mahathir đã thiết lập chính sách “Hướng Đông” vào những năm 1980, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng. Ông được truyền cảm hứng từ thành công của Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế và các quốc gia mới công nghiệp hóa như Hàn Quốc.

Các nước này đã cho thấy những mô hình kinh tế phù hợp với sự phát triển của Malaysia không chỉ vì những chuyển biến vượt bậc sau chiến tranh mà còn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của họ và các giá trị châu Á trong quá trình công nghiệp hóa.

Đồng thời, chính sách này cho thấy một sự thay đổi từ chính sách hướng Tây truyền thống sang một mô hình tăng trưởng dựa trên mô hình đã thành công của các nước láng giềng.

Dưới thời chính phủ của Thủ tướng Mahathir, đường lối “Hướng Đông” của Malaysia đã mở rộng sang cả Trung Quốc. Tất nhiên, điều này là không thể tránh khỏi trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng về mặt kinh tế và địa chính trị.

Chính sách đối ngoại của Malaysia bổ trợ cho chính sách thương mại của quốc gia này trong việc đảm bảo mối quan hệ cởi mở và hữu nghị với nhiều các quốc gia để tối đa hóa khả năng tiếp cận thị trường, đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Mahathir đã quyết định giữ lại Khu thương mại tự do kỹ thuật số do Tập đoàn Alibaba đứng đầu tại Malaysia - một dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và trung bình của Malaysia xuất khẩu và thu hút thương mại điện tử của khu vực đến với Malaysia. 

[Chính trường Malaysia dậy sóng vì 'cuộc đấu đá' trong nội bộ PKR]

Trong khi nỗ lực điều chỉnh mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn đang gia tăng, lập trường của Thủ tướng Mahathir trước hết là bảo vệ lợi ích của Malaysia.

Việc chính phủ của Thủ tướng Mahathir đánh giá, hủy bỏ và đình chỉ các dự án lớn có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia được coi là ví dụ điển hình về việc Malaysia muốn tránh các bẫy nợ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các tuyên bố chính thức đã cho thấy rõ rằng việc giám sát các dự án cơ sở hạ tầng này được thúc đẩy bởi các vấn đề cấp bách trong nước hơn là bất kỳ chiến lược né tránh Trung Quốc nào. 

Điều này được minh chứng qua việc nối lại Tuyến tàu bờ Đông sau khi các điều khoản của thỏa thuận được đàm phán lại để giảm chi phí và tăng tỷ lệ tham gia của địa phương trong các công trình dân sự của dự án lên 40%.

Hơn nữa, chính phủ đã không xem xét, tạm dừng hoặc đảo ngược tiến trình của các dự án cơ sở hạ tầng khác nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" như Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc, dự án mở rộng cảng Kuantan trên bờ biển phía Đông của bản đảo Malaysia.

Trung tâm CRRC ở phía Tây bang Perak, và dự án đường sắt đôi điện khí hóa Gemas-Johor Baru ở cực Nam tỉnh Johor. 

Những quyết định này đã gợi nhớ lại nhiệm kỳ trước của Thủ tướng Mahathir khi quan hệ đầu tư với các đối tác bên ngoài phải dựa trên những điều khoản công bằng hơn. Tuy nhiên, với sự e ngại đối với phương Tây và phương châm “châu Á trên hết,” câu hỏi được đặt ra là liệu chính sách đối ngoại của Malaysia do ông Mahathir lãnh đạo có phản ánh chính sách tương tự hay không.

Chắc chắn, Thủ tướng Mahathir vẫn dành một sự ưu tiên cho tất cả dự án ở châu Á. Ông đã áp dụng lại một số ý tưởng lấy châu Á làm trung tâm của mình từ những thập kỷ trước, ví dụ như Tổ chức kinh tế Đông Á (EAEC) mà giờ đây sẽ bao gồm cả Trung Á và Ấn Độ cũng như một đồng tiền chung của châu Á thay thế đồng USD nhiều biến động.

Trong nỗ lực nhằm tránh gây ra những xáo trộn về chính sách có thể xuất phát từ những thay đổi trong đôi ngũ lãnh đạo, Malaysia và Mỹ đã thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2014.

Năm 2017, quan hệ đối tác đã được cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Najib Razak nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Mỹ-Malaysia. Dưới thời Chính phủ của Thủ tướng Mahathir, quan hệ đối tác này nằm ở mức độ duy trì hơn là có những thay đổi có tính chất bước ngoặt.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc gặp giữa Thủ tướng Mahathir và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Thủ tướng Mahathir không thể hiện mong muốn sớm có cuộc gặp mặt với Tổng thống Mỹ.  Giờ đây, ông cũng làm điều tương tự và bày tỏ nghi ngờ về phong cách ra quyết định và sự nhất quán của Tổng thống Trump.

Thủ tướng Mahathir cũng bày tỏ sự thận trọng về tương lai phía trước của mối quan hệ kinh tế Malaysia-Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu kết thúc. Thương mại song phương giữa Malaysia và Mỹ không có gì nổi bật trong một thập kỷ qua.

Chính sách hiện tại của Mỹ ủng hộ đầu tư khu vực tư nhân và dường như điều này sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Malaysia. Mỹ là nước có đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Malaysia trong năm 2018, chiếm 20,0% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Malaysia. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) theo sát ở vị trí thứ hai với 19,6%.

Quyết định gần đây của Bộ Tài chính Mỹ về việc đưa Malaysia vào Danh sách giám sát đối với các nước có tình trạng thao túng tiền tệ đã khiến Ngân hàng Trung ương Malaysia phải đưa ra biện pháp ứng phó được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, Malaysia giải thích rằng thặng dư thương mại hiện tại của nước này là kết quả của một nền kinh tế đa dạng ngành nghề chứ không xuất phát từ bất kỳ hành vi thao túng tiền tệ nào.

Trong khi đó, mối quan hệ quốc phòng song phương với Mỹ dường như sẽ được duy trì ổn định dưới thời chính phủ Malaysia mới.

Quan hệ quốc phòng Malaysia-Mỹ, được củng cố thông qua thỏa thuận Nhóm Tham vấn và Đào tạo song phương năm 1984, vẫn được duy trì ổn định bất chấp những biến động chính trị.

Lợi ích của Mỹ và Malaysia có thể không hoàn toàn trùng khớp trong vấn đề này, với việc Mỹ chú trọng đến sự cạnh tranh chiến lược trong khi Malaysia từ chối đứng về phe nào.

Tuy nhiên, đó là bằng chứng cho thấy sự tiến triển của mối quan hệ quốc phòng giữa cả hai quốc gia trong đó lợi ích của hai bên đủ trung khớp để đạt được các mục tiêu thực tế. Cả hai bên đều có chung mục tiêu là đảm bảo an ninh, an toàn và sự thông thoáng của các tuyến đường biển.

Chủ nghĩa đa phương hóa

Gần như tất cả các mối quan hệ đối ngoại của Malaysia đều dựa trên nền tảng khuôn khổ chủ nghĩa đa phương hóa. Các hoạt động chính trị quốc tế của Malaysia trong hệ thống Liên hợp quốc đã được đề cập ở trên.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiếng nói quan trọng trong chính sách đối ngoại của Malaysia.

ASEAN là cơ sở cho tất cả các mối quan hệ với các đối tác khác, trong đó bao gồm cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN+3 với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) gồm 27 thành viên (diễn đàn khu vực duy nhất có sự tham gia của Triều Tiên); và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á định hướng chiến lược, nơi tập trung tất cả các quốc gia châu Á cùng với Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ.

Tầm quan trọng của ASEAN và tiếng nói chung của ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với Malaysia kể từ khi tổ chức này hình thành vào năm 1967. Khung chính sách đã khẳng định rõ rằng điều này sẽ không thay đổi dưới thời chính phủ Malaysia hiện tại hay bất kỳ thời điểm nào.

Malaysia nhận định ASEAN cung cấp những nền tảng quan trọng để giải quyết các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, đối với Malaysia, triển vọng tươi sáng nhất của ASEAN nằm ở tiềm năng kinh tế của tổ chức này.

Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục mục tiêu ưu tiên hội nhập kinh tế ASEAN để đảm bảo rằng Malaysia và khu vực Đông Nam Á sẽ phát huy đươc tối đa tiềm năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục