Chủ tịch Traphaco: Hãy tin và giao cơ hội cho những người phụ nữ

Tôi nhớ mãi câu nói của chị: "Phụ nữ làm lãnh đạo tốt là không chỉ nghĩ đến 'nồi cơm' của nhà mình mà phải đảm bảo cho cả 'nồi cơm' của 'hàng xóm' luôn được đủ đầy."
Chủ tịch Traphaco: Hãy tin và giao cơ hội cho những người phụ nữ ảnh 1Chị Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Traphaco. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gặp chị vào một buổi chiều muộn. Chị giản dị đến bất ngờ. Một chút son môi làm duyên cũng không, mái tóc lòa xòa trên vai. Nhưng ở người phụ nữ ấy vẫn ánh lên những ​nét đẹp ​hồn hậu, đằm thắm rất riêng của người phụ nữ Thành Nam. ​

Gương mặt hiền hậu, nụ cười tươi tắn, cách nói chuyện dí dỏm, dễ gần ​khiến những người từng tiếp chuyện chị không ai nghĩ người ngồi trước mặt mình lại là vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco – người đã chèo lái “con thuyền” đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dược đứng đầu cả nước.

Chị Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Traphaco, dù đã ở tuổi 62 nhưng trông trẻ hơn so với tuổi thực.

Trong câu chuyện của mình, chị cứ nhắn nhủ: “Phụ nữ có tuổi như mình thỉnh thoảng đầu hay bốc hỏa, da đầu nóng ran lên. Vì vậy, chị em dù có làm gì bận rộn cũng cố gắng chăm sóc sức khỏe của bản thân cho thật tốt.”

Tôi nhớ mãi câu nói của chị: "Phụ nữ làm lãnh đạo tốt là không chỉ nghĩ đến 'nồi cơm' của nhà mình mà phải đảm bảo cho cả 'nồi cơm' của 'hàng xóm' luôn được đủ đầy – đó chính là những người ở công ty đang đồng hành cùng chị trong nhiều năm qua.

Người phụ nữ ấy, 37 năm kể từ khi ra trường vẫn luôn gắn bó duy nhất với công ty Traphaco. Chị bảo, mình là người ngại thay đổi, mọi tâm huyết chỉ dồn vào được một nơi. Và chính nơi ấy, nơi chị gắn bó từ những ngày đi thực tập đến tận hôm nay, sau gần 40 năm gắn bó, đã trở thành một công ty dược hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Lãnh đạo nữ khó nhất là cân bằng thời gian

Nói về bí quyết nào làm nên sự thành công của những người phụ nữ, chị Vũ Thị Thuận không nói về mình nhiều mà đặc biệt ngợi ca những người phụ nữ làm doanh nhân thành đạt trước tuổi 40.

“Tôi thuộc loại nửa nọ nửa kia, từ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chuyển sang doanh nghiệp cổ phần. Khi tôi làm giám đốc thì con cái đã lớn, một cháu đã tốt nghiệp đại học và một cháu đang học đại học năm cuối. Vì vậy, tôi không còn vướng bận thời gian để chăm sóc cho trẻ con. Nói về phụ nữ là những người phụ nữ thành đạt, tôi thật sự ngưỡng mộ khâm phục những phụ nữ được giải thưởng Sao Đỏ - những doanh nhân nữ trẻ thành đạt trước tuổi 40,” chị bộc bạch.

Theo chị, những người phụ nữ ở trước tuổi 40 - đây là giai đoạn mà họ rất bận bịu chuyện gia đình, con nhỏ, nên những người phụ nữ ở tuổi này mà đã thành công quả rất đáng nể phục.

Chủ tịch Traphaco: Hãy tin và giao cơ hội cho những người phụ nữ ảnh 2Khâu đánh bóng, bao viên sản phẩm thuốc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trước câu hỏi khó khăn lớn nhất của người phụ nữ khi làm lãnh đạo là gì, chị trầm tư: “Đó là sự cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình. Là lãnh đạo của doanh nghiệp không phải là điều đơn giản, cái khó nhất là cân bằng thời gian theo các nghĩa vụ. Nghĩa vụ đối với doanh nghiệp, nghĩa vụ đối với gia đình làm vợ, làm mẹ, làm con dâu.”

Nối dài dòng tâm tư của mình, chị cho rằng thành công của mỗi một người phụ nữ, bên cạnh họ nỗ lực rồi cần phải có sự chia sẻ của những người thân. Chị Thuận chia sẻ: “Người phụ nữ khi đã làm lãnh đạo không thể về sớm để hoàn thành trách nhiệm nội trợ. Trong khi cuộc họp đang căng thẳng, không thể 4 giờ 30 là đứng lên để về nấu cơm đúng giờ được. Do vậy, những người phụ nữ rất cần sự chia sẻ của người thân, khi mệt mỏi cần sự động viên.”

Chọn con đường nhỏ để đứng vững ở biển lớn

Khi được hỏi về những khó khăn đã phải trải qua trên chặng đường thành công của mình, chị cười bảo: nhiều khi không muốn nhắc tới những khó khăn, chỉ muốn kể những gì tốt đẹp. Bởi có như vậy mình mới lạc quan và thẳng tiến về phía trước.

Chị sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều là lương y. Có lẽ, chính vì vậy nghề y dường như đã thấm vào máu chị ngay khi còn rất nhỏ. Chị tâm sự, do từ bé đã ​phân biệt được hạt sen, í dĩ, hay một số loại thảo dược có tác dụng ​gì, dùng trong trường hợp nào nên những vị thuốc, những cây thuốc đã theo chị suốt cuộc đời. Khi lớn lên chị chọn vào trường Đại học Dược để tiếp tục nghiên cứu những vị thuốc, những loại thuốc đã gắn bó với chị suốt từ thủa ấu thơ.

Traphaco hiện là doanh nghiệp dược đứng thứ 2 về quy mô trong ngành dược Việt Nam và đứng đầu về lĩnh vực thuốc y học cổ truyền với hơn 200 sản phẩm thuốc, trong đó thuốc y học cổ truyền là một thế mạnh, chiếm hơn 70% sản phẩm, còn lại là tân dược.

Khi công ty vẫn còn nhỏ, chị và ban lãnh đạo đã chọn con đường ngách để đi, tránh đối mặt với đối thủ. Traphaco đã chọn sản phẩm thuốc y học cổ truyền (người trong ngành dược vẫn gọi là đại dương xanh) để phát triển thay vì lựa chọn các sản phẩm thuốc tây (đại dương đỏ).

Chủ tịch Traphaco: Hãy tin và giao cơ hội cho những người phụ nữ ảnh 3Chị Vũ Thị Thuận đi giám sát tại một nhà máy. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Nhớ lại những khó khăn của ngày đầu cùng xây dựng công ty, chị trầm ngâm: những năm 1993, khi đó chị là Phó giám đốc Xí nghiệp dược phẩm đường sắt. Thời điểm đó, cái tên của xí nghiệp cũng khiến nhiều người lo ngại. Họ cho rằng doanh nghiệp của ngành giao thông sản xuất thuốc thì khó có thể tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Có những lúc công ty đứng trên bờ vực của sự giải thể, mọi thứ có thể nói chỉ là con số 0 tròn trĩnh, với điểm xuất phát ban đầu.

Để vượt qua những khó khăn thủa ban đầu nhằm duy trì việc làm cho hàng chục con người của xí nghiệp, chị và nhiều công nhân của công ty đã phải lên tận Hòa Bình mua mơ tươi về chế biến ra sirô mơ, mua sắn dây làm bột và làm sữa đậu nành để đi rao bán trên khắp phố phường của Hà Nội.

Những mặt hàng thực phẩm như sắn dây, sữa đậu nành và sau đó là một số loại thuốc trị lở, ngứa thông thường... đã giúp xưởng sản xuất của xí nghiệp bắt đầu khôi phục và có chút tăng trưởng. Khi đó, nhân lực của xí nghiệp chủ yếu là các chị em phụ nữ. Chị kể, với những tăng trưởng bước đầu đó quả thực không ai dám nghĩ tới.

Những năm đầu trong ban lãnh đạo của công ty, tỷ lệ nữ chiếm tới 80%, từ năm 2.000 đến nay, cùng với sự ra đời của nhà máy và kênh phân phối rộng trong cả nước thì số lượng nam giới trong công ty đã tăng lên với tỷ lệ 50-50.

Chị tiếp nhận chức giám đốc của Công ty vào năm 1999 ​với hơn 300 cán bộ và kỹ thuật, công nhân viên. Cho đến nay, toàn công ty đã có hơn 1.600 nhân viên. Là phái nữ, lại là người đứng đầu một doanh nghiệp nên chị rất hiểu và cảm thông với những khó khăn hay những nhu cầu tối thiểu của chị em phụ nữ. Có giai đoạn mà nhân viên của công ty 80% là nữ giới. Khi đó, chị càng phải quan tâm và tạo điều kiện chăm lo cho các chị em được tốt hơn nhằm giúp chị em yên tâm hăng say với công việc.

Với những nỗ lực không ngừng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2005, chị đã đạt giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể khoa học nữ Traphaco.

Về vai trò của người phụ nữ khi làm lãnh đạo doanh nghiệp, chị cho hay những người phụ nữ có đặc điểm về giới rất riêng. Trong quản trị doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết đoán, táo bạo ở người phụ nữ, mà họ còn có thêm sự lo toan, tháo vát, chắc chắn.

Chị dẫn chứng: “Tôi còn nhớ, không phải ngẫu nhiên mà ông chủ ngân hàng nước ngoài bảo tôi chỉ thích cho phụ nữ vay. Bởi họ không bao giờ trốn nợ, họ biết tiết kiệm thời gian để dành cho công việc. Họ biết chăm lo cho mọi người, có sức mạnh tập hợp - đó là một phần của văn hóa doanh nghiệp như khéo léo, tế nhị, tinh tế. Đặc biệt, phụ nữ dường như gan lỳ hơn trước những diễn biến của kinh tế thị trường.”

Với mỗi người phụ nữ, chị cho hay, cái cửa ải khó khăn nhất của họ là khi sinh con hay khi con ốm.​ Trải qua những khó khăn như vậy dường như giúp họ kiềm chế và bình tĩnh hơn nam giới.

“Công ty chúng tôi, tôi xem thống kê thấy con ốm mẹ nghỉ ít nên luôn khen và động viên chị em nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Có lẽ do họ làm trong ngành dược nên biết sử dụng thuốc, khi trẻ mới hắt hơi sổ mũi là đã biết cách chữa trị. Thực sự chúng tôi rất tự hào việc đãi ngộ cho nhân viên trong đó có phụ nữ, nên mẹ chồng và chồng sẵn sàng trông con. Rất ít trường hợp nghỉ do con ốm, trừ khi bé phải đi bệnh viện.”

Chị Thuận tâm sự, trong cuộc sống, mọi người vẫn nói rằng không có định kiến trong vấn đề sử dụng lao động nữ, nhất là trong đề bạt rất được ủng hộ, tuy nhiên thực tế cho thấy khi bỏ phiếu, rất nhiều chị em lại bị gạch ra và rất nhiều chị em phụ nữ chỉ dừng lại ở cấp phó.

Về vấn đề vai trò, sự tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong xã hội, chị nhắn nhủ: “Tôi chỉ có một lời nói là hãy tin và giao cơ hội cho phụ nữ. Ngược lại, phụ nữ cần phải tự tin và học tập vươn lên vì nếu phụ nữ mà không biết tự nắm bắt lấy cơ hội thì không ai trao cho mình đâu.”/.

Chị Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Traphaco chia sẻ về doanh nhân nữ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục