Chứng khoán châu Á và vùng Vịnh tiếp tục lao đao vì COVID-19

Chốt phiên trên sàn giao dịch của Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 7,33%, tương đương 455,60 điểm, xuống mức 5.760,60 điểm.
Bảng điện tử thông báo các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bảng điện tử thông báo các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Australia ngày 9/3 đã sụt giảm hơn 7% giá trị do lo ngại về tình hình lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giá dầu mỏ thế giới "lao dốc."

Thông tin này đánh dấu ngày ảm đạm nhất trên thị trường chứng khoán Australia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chốt phiên trên sàn giao dịch của Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 7,33%, tương đương 455,60 điểm, xuống mức 5.760,60 điểm.

Trong khi đó, chỉ số vốn hóa thị trường đại diện cho 500 công ty lớn nhất được liệt kê trên thị trường chứng khoán Australia All Ordinaries Index sụt giảm 7,4%, tương đương 465,1 điểm, xuống còn 5.822,4.

Đáng chú ý, các cổ phiếu ngành năng lượng của nước này "lao dốc bất thường" với việc mất tới 19% giá trị sau khi giá dầu mỏ toàn cầu sụt giảm quanh ngưỡng 30% và là mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" và Saudi Arabia giảm giá dầu.

[Lo ngại dịch bệnh COVID-19, chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ]

Tính đến 12 giờ 50 trưa 9/3 trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Bent biển Bắc giảm 12,23 USD, tương đương 27%, và rớt xuống còn 33,04 USD/thùng.

Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 11,88 USD, tương đương 29%, xuống còn 29,4 USD/thùng.

Thậm chí trước đó có thời điểm rớt xuống còn 27,34 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.

Giới phân tích nhận định giá dầu WTI đang có xu hướng tiệm cận với ngưỡng sụt giảm kỷ lục vượt trên 33% ghi nhận hồi tháng 1/1991.

Không nằm ngoài xu hướng trên, chốt phiên giao dịch cùng ngày trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.050,99 điểm (5,07%) xuống còn 19.698,76 điểm và là mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 4/1/2019.

Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 82,49 điểm xuống 1.388,97 điểm, tương đương mức giảm 5,61%.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải mất điểm ngay khi mở phiên, trong đó giá cổ phiếu của các công ty năng lượng bị tác động lớn nhất do biến động của giá dầu.

Cụ thể, chỉ số Hang Seng giảm 3,87% (1.012,60 điểm) xuống 25.134,02 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite hạ 1,56% (47,3 điểm) xuống 2.987,18 điểm.

Đầu phiên giao dịch ngày 9/3, các thị trường chứng khoán của các quốc gia vùng Vịnh cũng chứng kiến đà sụt giảm mạnh sau thông tin giá dầu nói trên.

Chỉ số Premier của Kuwait giảm 9,5%, khiến hoạt động giao dịch cổ phiếu mã này tạm thời bị ngưng trệ.

Trong khi đó, thị trường tài chính Dubai và sàn giao dịch chứng khoán Abu Dabi sụt giảm lần lượt là 9,0% và 7,1%.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục