Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 9/3, trong đó chỉ số Dow Jones giảm điểm mạnh nhất, trước những lo ngại gia tăng về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones để mất 2.013,76 điểm, hay 7,79%, xuống 23.851,02 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này giảm 7,87% vào ngày 15/10/2008, khi thị trường biến động do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 624,94 điểm, hay 7,29%, xuống 7.950,68 điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng mất hơn 7%.
Hoạt động giao dịch trong phiên này đã phải tạm dừng và được nối lại 15 phút sau đó, nhưng hoạt động bán ra vẫn tiếp tục, khiến chỉ số Dow Jones có lúc giảm trên 2.100 điểm so với mức chốt phiên 6/3.
[Thị trường chứng khoán Canada lao dốc nhanh nhất kể từ năm 1987]
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc khi truyền thông nước này đưa tin số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt 500 người, khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu trước lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại.
Hoạt động bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên này dưới ngưỡng 20.000 điểm.
Việc các nước xuất khẩu dầu mỏ không đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu giảm do dịch bệnh đã khiến giá dầu sụt giảm, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư.
Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chao đảo, với các chỉ số chứng khoán tại Anh, Đức và Italy giảm từ 7,5% đến 11,2%.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán có mức giảm kỷ lục trong hơn 18 năm qua khi hàng loạt các mã cổ phiếu đua nhau giảm sàn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN-Index giảm tới 6,28% xuống 835,49 điểm. Toàn sàn có tới 368 mã giảm giá; trong đó có 173 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng giá và 14 mã đứng ở mức giá tham chiếu.
HNX-Index cũng có mức giảm tới 6,44% xuống 106,34 điểm. Toàn sàn có tới 148 mã giảm; trong đó có 61 mã giảm xuống mức giá sàn, trong khi cũng chỉ có 29 mã tăng giá và 32 mã đứng giá./.