Chứng khoán ngày 5/4: Nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng hết biên độ

Chốt phiên giao dịch chứng khoán ngày 5/4, VN-Index tăng 2,41 điểm lên 1.080,86 điểm; khối lượng giao dịch đạt gần 794 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 12.866 tỷ đồng.
Chứng khoán ngày 5/4: Nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng hết biên độ ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Chốt phiên giao dịch 5/4, cổ phiếu bất động sản tăng mạnh, thậm chí nhiều mã tăng hết biên độ. Điều này có được là do gần đây cổ phiếu bất động sản nhận được rất nhiều thông tin hỗ trợ.

Các mã bất động sản tăng kịch trần như HPX, HRB, IDJ, MH3, MRC, PTL, PVL... Các mã còn lại đa số ở chiều tăng giá.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi văn bản thông báo tin mừng đến hội viên về nỗ lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ “về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.”

Theo HoREA, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và điều quan trọng nhất là nghị quyết đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường.

[Thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi]

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững.”

Bên cạnh đó, theo ông Châu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công văn 178/TTg-CN ngày 27/03/2023 “về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản” và Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/04/2023 “về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.”

Tiếp đó, Ngày 3/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai;” trong đó đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch (condotel).

Cùng đó, Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được ban hành.

Ông Châu cho biết HoREA rất hoan nghênh Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” mở ra triển vọng huy động nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của đông đảo người thu nhập thấp và công nhân lao động, nhằm bảo đảm “quyền có chỗ ở” của người dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Trong khi Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023) và được vay ưu đãi với thời hạn tối đa 25 năm theo quy định của Luật Nhà ở 2014, đề án đã có giải pháp tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bố trí Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, theo giải pháp tại điểm b khoản 1 Mục III của đề án.

Cụ thể như sau: “Trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 “V/v triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.”

Thực tế, thời gian qua đã có một loạt chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản, từ đó giúp cổ phiếu nhóm ngành này hồi phục mạnh mẽ.

Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tăng rất mạnh, thậm chí nhiều mã tăng trần. Cụ thể, các mã như APS, BMS, ORS, TVB, TVC tăng kịch trần. Các mã cổ phiếu chứng khoán còn lại cũng ngập trong sắc xanh.

Thực tế, nhóm cũng giống như nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất. Trong hơn 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và ngày 3/4/2023.

Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực đến triển vọng của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.

Về mặt lý thuyết khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt thì đa phần các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh đều được hưởng lợi.

Đối với ngành chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp hơn khuyến khích hoạt động đầu tư vào các tài sản tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty chứng khoán gia tăng doanh số trong nghiệp vụ cơ bản như môi giới và cho vay ký quỹ.

Ngoài ra, các tài sản tài chính mà các công ty chứng khoán đầu tư bao gồm trái phiếu và cổ phiếu cũng sẽ diễn biến khả quan qua đó gia tăng sức khỏe tài chính của các công ty.

Với lĩnh vực bất động sản hiện tại đang sử dụng đòn bẩy nợ ở mức cao, bao gồm cả hình thức vay ngân hàng và huy động trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, ngành bất động sản gặp khó khăn nhiều nhất do lãi suất tăng cao vào khả năng huy động vốn khó khăn. Vì vậy, mặt bằng lãi suất hạ và thanh khoản nền kinh tế dồi dào là tiền đề để ngành bất động sản giảm bớt cả hai vấn đề khó khăn này.

Trở lại diễn biến thị trường, các nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất, ngân hàng diễn biến tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế.

Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 225 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng trên 29 tỷ đồng trên HNX và 8,42 tỷ đồng trên UPCOM.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/4, VN-Index tăng 2,41 điểm lên 1.080,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 794 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 12.866 tỷ đồng. Toàn sàn có 250 mã tăng giá, 128 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,85 điểm lên 212,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn121,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.622,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 128 mã tăng giá, 62 mã giảm giá và 35 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,15 điểm lên 77,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 792 tỷ đồng. Toàn sàn có 186 mã tăng giá, 109 mã giảm giá và 70 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục