Chuyên gia: Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm

Dự báo về tình hình tỷ giá trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng thị trường ngoại hối và tỷ giá được kỳ vọng có những diễn biến thuận lợi nhờ nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào.
Chuyên gia: Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm ảnh 1Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm. (Nguồn: Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá trung tâm và tại các ngân hàng thương mại giảm một phần nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, dự trữ ngoại hối ổn định và đồng đô la Mỹ hiện đang mất giá nhiều.

Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế

Tỷ giá trung tâm ngày 1/6 được niêm yết ở mức 23.117 đồng/USD, ngày 2/6 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 4 đồng lên mức 23.121 đồng/USD. Tuy nhiên, mức này vẫn giảm 121 đồng so với phiên ngày 1/4 (23.242 đồng/USD).

Theo ghi nhận từ tháng Tư đến nay tỷ giá trung tâm liên tục giảm, có những tuần ngày nào cũng giảm và điển hình có ngày giảm đến 18 đồng. Giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại cũng giảm từ 25-40 đồng, tiếp tục rớt về mức thấp hơn so với cuối năm 2020. Hiện ngày 2/6, tỷ giá tại Vietcombank gia dịch quanh mức 22.945-23.145 đồng/USD.

Đánh giá về hiện tượng này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây cũng không phải là hiện tượng bất bình thường vì đồng USD mất giá nhiều do Chính phủ Mỹ đã bơm một lượng lớn tiền vào trong lưu thông để hỗ trợ nền kinh tế (1.900 tỷ USD) nên đã đẩy lạm phát lên và đẩy giá trị của đồng USD xuống.

Ngày 2/6, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức mức 89,922 điểm.

Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,04% lên 1,2216. Tỷ giá đồng Bảng Anh so với USD tăng 0,05% lên 1,4153. Tỷ giá USD so với Yên Nhật tăng 0,05% lên 109,51.

Tỷ giá USD dao động gần mức thấp nhất trong 5 tháng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về cuộc khảo sát sản xuất của Mỹ.

Các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đứng đầu là Chủ tịch Jerome Powell đã nhiều lần kỳ vọng áp lực tăng giá sẽ chỉ là tạm thời và chính sách kích thích tiền tệ sẽ được duy trì trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng một đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường sai khi đại dịch COVID-19 có thể khiến Fed thay đổi quan điểm.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã leo lên mức cao nhất trong 5 năm so với rổ tiền tệ của các đồng tiền đối tác chủ chốt, gây áp lực lên xuất khẩu của nền kinh tế này, bất chấp việc các quan chức tiếp tục cảnh báo chống lại tình trạng đầu cơ quá mức.

Hiện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nâng tỷ giá tham chiếu đồng CNY lên mức cao nhất 3 năm, là 6,3682 CNY/USD trước khi thị trường giao dịch mở cửa.

Tại Việt Nam, hôm nay, tỷ giá giá đồng CNY tại các ngân hàng thương mại niêm yết CNY ở mức 3.580-3.693 VND/NDT (mua vào-bán ra), tăng 13 đồng ở chiều mua vào và 11 đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên 31/5.

Theo ông Hiếu, đây là hai đồng tiền có ảnh nhiều đến xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta và đây cũng là hiện tượng mang tính toàn cầu, có thể vẫn tiếp tục lên và xuống giá.

“Với tỷ giá giảm thì sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vì họ nhận tiền USD và đổi ra tiền VND, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh xuống nhưng lại có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu vì họ dùng tiền USD để thanh toán,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Hiện tình hình xuất khẩu vẫn đang trên đà tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 còn ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%,” báo cáo nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, việc tỷ giá giảm đã tác động tích cực đến tâm lý của người dân, tâm lý của thị trường tài chính. Người dân, giới đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của đồng Việt Nam. Điều này làm giảm hẳn tình trạng người dân lựa chọn việc cất trữ tài sản của mình bằng việc mua ngoại tệ, góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong xã hội.

Diễn biến tỷ giá nói trên cũng hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại chờ cơ hội tỷ giá tăng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức. Tỷ giá ổn định cũng như định hướng điều hành rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước làm cho các ngân hàng thương mại cũng thuận lợi hơn trong thực hiện chiến lược kinh doanh ngoại tệ của mình.

Dao động trong biên độ ổn định

Có lẽ điều giới đầu tư quan tâm hơn cả là Việt Nam đã được Chính phủ Mỹ gỡ nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo bán thường niên hồi giữa tháng Tư vừa qua. Như vậy, sau 4 tháng bị gắn nhãn, Việt Nam đã nhanh chóng thoát khỏi những cáo buộc từ Bộ Tài chính Mỹ, tạo điều kiện để điều hành chính sách ngoại thương và tỷ giá linh hoạt hơn.

Chuyên gia: Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Với tinh thần hợp tác nhằm khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng, Ngân hàng Nhà nước rõ ràng cũng sẽ không để tỷ giá trong nước biến động một chiều, bên cạnh việc hạn chế can thiệp vào thị trường ngoại hối, để phía Mỹ không có lý do lại liệt Việt Nam vào nhóm thao túng tiền tệ trong các báo cáo kế tiếp.

Dự báo về tình hình tỷ giá trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, thị trường ngoại hối và tỷ giá được kỳ vọng có những diễn biến thuận lợi nhờ nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào. Hiện dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng và ước đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020. Chuyên gia VCBS dự báo trong năm 2021 tỷ giá dao động trong khoảng ± 0,5%.

Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, diễn biến tích cực của VND, phần nào phản ánh được thực tế vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát tốt, thặng dư từ cán cân thương mại. BVSC cho rằng, VND sẽ tiếp tục có diễn biến ổn định, biến động không quá 1% trong năm 2021. 

Trong khi đó, các chuyên gia của SSI Research lại đưa ra lưu ý, trước sự bùng phát của dịch bệnh tại Việt Nam có thể khiến xu hướng này kéo dài và tạo áp lực nhất định lên tỷ giá trong thời gian tới./.

Chuyên gia: Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm ảnh 3
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục