Chuyên gia Việt Nam tham gia với WHO hỗ trợ quản lý sự cố COVID-19

Phó giáo sư Trần Xuân Bách - Trưởng nhóm chuyên gia phát triển Hệ thống cảnh báo dịch bệnh COVID-19 toàn cầu của Trường Đại học Y Hà Nội tham gia Nhóm Hỗ trợ quản lý sự cố của WHO.
Chuyên gia Việt Nam tham gia với WHO hỗ trợ quản lý sự cố COVID-19 ảnh 1Phó giáo sư Trần Xuân Bách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã mời phó giáo sư Trần Xuân Bách - Trưởng nhóm chuyên gia phát triển Hệ thống cảnh báo dịch bệnh COVID-19 toàn cầu của Trường Đại học Y Hà Nội – là đại diện của Việt Nam tham gia Nhóm Hỗ trợ quản lý sự cố COVID-19.

Phó giáo sư Trần Xuân Bách cho hay ngày 9/3 ông đã có mặt tại Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tại Philippines để tham gia Nhóm Hỗ trợ quản lý sự cố COVID-19 của WHO (WPRO).

[Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu]

Tại đây, ông sẽ tham gia các hoạt động phân tích dự báo, thông tin và lập kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID-19 cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 1/3, Hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu (epiNEWS) do Trần Xuân Bách - Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (thuộc Trường ĐH Y Hà Nội) và những cộng sự tiến hành đã chính thức ra mắt tại: http://covid19global.net/.

Hệ thống nêu trên cung cấp các thông tin phân tích chuyên sâu về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và khả năng đáp ứng dựa theo năng lực của mỗi quốc gia.

Chuyên gia Việt Nam tham gia với WHO hỗ trợ quản lý sự cố COVID-19 ảnh 2Dự báo về tình hình dịch bệnh được đưa ra trên Hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu.

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu đưa ra nhận định sơ bộ trong ngày 1/3 cho thấy trong tháng 3 Việt Nam sẽ vẫn có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới do cả các nguồn lây từ Trung Quốc và cả các nước khác.

Các thành phố du lịch có đường bay quốc tế có nguy cơ lớn là Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang.

Kết quả phân tích được đưa ra dựa trên những kết quả nghiên cứu của mạng lưới chuyên gia quốc tế về dịch tễ học và kiểm soát bệnh dịch toàn cầu.

Từ các dữ liệu đó, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới và tốc độ lây lan của bệnh, hướng tới những đánh giá mang tính hệ thống và chiến lược nhằm kiểm soát tối ưu đối với dịch COVID-19.

Phó giáo sư Bách cho hay những kết quả từ nghiên cứu là nguồn dữ liệu tin cậy để các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý tham khảo, thảo luận và phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu để có những đánh giá chiến lược kiểm soát tối ưu nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus corona là một họ virus lớn được tìm thấy ở cả động vật và người. Một số virus có thể gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Virus corona mới là một chủng của virus corona chưa từng xác định được ở người trước đây.

Virus mới này hiện gọi là 2019-nCoV, được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc lần đầu vào tháng 12 năm 2019. Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, nhiễm 2019-nCoV có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong. Người già và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dễ bị bệnh nặng hơn. Virus 2019-nCoV gây ra bệnh đường hô hấp và có thể lây truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như: tại nơi làm việc, trong gia đình hoặc cơ sở y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục