Ngày 11/11, phiên họp với chủ đề “Ngày khử carbon” thuộc Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm lượng khí phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thép, dầu mỏ, khí đốt và phân bón.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Sharm El-Sheikh, phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry cho rằng: “Cuộc khủng hoảng khí hậu đang hiện hữu và chúng ta cần xem xét từng khía cạnh của giải pháp, bao gồm cả quá trình khử carbon trong các lĩnh vực công nghiệp vốn là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu."
Ông Shoukry nhấn mạnh: "Phiên họp hôm nay tạo cơ hội để các bên thảo luận về các kế hoạch và chính sách quan trọng cần thiết để giảm phát thải khí carbon, đặc biệt trong các lĩnh vực khó giảm thiếu.”
[Tổng thống J. Biden tuyên bố Mỹ sẽ đạt mục tiêu phát thải vào năm 2030]
Ông Shoukry bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Tại phiên họp với sự tham gia của đông đảo các lãnh đạo ngành, các nhà khoa học, giới chuyên gia về đổi mới sáng tạo, các nhà hoạch định chính sách, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ai Cập Ahmed Samir đã trình bài các bài phát biểu về những thách thức liên quan vấn đề khử carbon.
Một số sáng kiến như Lộ trình giảm khí methane Sharm El Sheikh và Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải cũng đã được đưa ra tại phiên họp nằm thúc đẩy cam kết metan toàn cầu, như một hướng dẫn toàn diện cho các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải.
Tại sự kiện này, Mỹ đã thông báo khởi động sáng kiến mới nhằm hỗ trợ Ai Cập triển khai 10 GW điện Gió và điện Mặt Trời mới trong khi từ bỏ 5GW điện từ các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt tự nhiên không hiệu quả.
Sáng kiến “Đẩy nhanh quá trình khử carbon ngành thép” đã được thỏa luận nhằm khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ các công nghệ mới.
Về khía cạnh này, phiên họp cũng đã nêu bật những câu chuyện chuyển đổi thành công của Ai Cập và Thụy Điển. Riêng Ai Cập đã triển khai 126 dự án sử dụng năng lượng hiệu quả với tổng vấn đầu tư 2,4 tỷ USD, với mục tiêu cắt giảm 7 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Về quá trình khử carbon trong lĩnh vực phân bán, phiên họp đã đề cập những cách thức phát triển các loại phân bón xanh cần thiết nhằm phát triển nền nông nghiệp carbon thấp, giá cả phải chăng và an toàn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy quá trình khử carbon trong lĩnh vực sản xuất dầu khí và ximăng cũng đòi hỏi các giải pháp cần thiết dựa trên các công nghệ mới như lưu trữ carbon, nhiên liệu thay thế và ximăng xanh./.