Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc định hình thương mại toàn cầu

Hiện, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạm chững lại và IMF đã dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3%, cao hơn mức 1% của năm 2019.
Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc định hình thương mại toàn cầu ảnh 1Rau củ quả được bày bán tại khu chợ ở Nam Kinh, Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày 30/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc chiến Mỹ-Trung đã khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 giảm tốc, thế nhưng một số quốc gia và ngành nghề cũng đã được hưởng lợi đôi chút, theo phân tích của tờ Wall Street Journal số ra ngày 10/2.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã hạ xuống mức 1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 4% của năm 2018 và 6% năm 2017, đồng thời đây cũng là con số thấp thứ tư tính trong khoảng thời gian 40 năm qua.

Có thể coi đây là mức tăng trưởng yếu kém nhất nếu không tính thời kỳ suy thoái kinh tế, theo dữ liệu và nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Có nhiều yếu tố là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tốc này, nhưng các nhà kinh tế đều đồng tình rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân lớn nhất, bởi Mỹ và Trung Quốc đều là các cỗ máy tiêu dùng khổng lồ, mỗi năm mua tới 2.000 tỷ USD hàng hóa.

[Dịch bệnh nCoV sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung ra sao?]

Do vậy, khi thương mại giữa hai nước giảm xuống do áp dụng các biện pháp thuế quan của cả hai bên thì dù tất cả các nước khác có mua tăng lượng hàng hóa thì vẫn không bù đắp được lượng hàng bị giảm đó.

Hàng hóa nông sản, máy bay, máy móc Mỹ bán cho Trung Quốc đã giảm mạnh đồng thời lượng hàng điện tử và hàng công nghiệp Trung Quốc bán cho thị trường Mỹ cũng giảm theo.

Theo ông Sergi Lanau, Phó Kinh tế trưởng Viện Tài chính Quốc tế, tăng trưởng toàn cầu và đầu tư toàn cầu đáng lẽ cao hơn nhiều nếu không có những bất ổn về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn này.

Riêng trong năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 59 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Mỹ cũng giảm 42 tỷ USD, theo số liệu của Cơ quan Theo dõi Dữ liệu Thương mại (Trade Data Monitor).

Thế nhưng, tình hình giảm tốc tăng trưởng kinh tế của thế giới đáng lẽ sẽ còn mạnh mẽ hơn, nếu Mỹ và Trung Quốc không nhập thêm hàng hóa từ các nước khác.

Trong năm 2019, Mỹ đã nhập thêm hàng hóa của 11 nước và giảm nhập hàng hóa của 4 nước còn Trung Quốc nhập thêm hàng của 7 nước và giảm bớt nhập hàng của 8 nước khác.

Khu vực Đông Nam Á

Trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc giảm sút, các nhà máy đã di dời sang một số quốc gia Đông Nam Á do chi phí lao động rẻ.

Hàng may mặc của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ đã tăng trưởng đều đặn nhiều năm nay và chiếm tới 1/3 trong tổng số 66 tỷ USD trị giá xuất khẩu hàng sang Mỹ trong năm 2019.

Không chỉ hàng may mặc, một số nhóm mặt hàng khác nhập từ Việt Nam vào Mỹ cũng tăng rất nhanh, cụ thể như điện thoại di động tăng 6 tỷ USD; đồ nội thất, thiết bị viễn thông và con chip điện tử mỗi loại đều tăng 2 tỷ USD.

Ngoài ra, các số liệu thống kê cũng cho thấy một số nước Đông và Đông Nam Á khác cũng xuất khẩu tăng nhẹ vào thị trường Mỹ. Đó là các nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Phillipines.

Khu vực Mỹ Latinh

Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh là Brazil và Mexico đều được hưởng lợi chút ít từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nông dân Brazil nhận được nhiều đơn hàng mua đậu tương hơn, nhất là hồi năm 2018 sau khi Trung Quốc ngừng mua của Mỹ.

Trong khi ngành nông nghiệp Mỹ rơi vào tình trạng trì trệ, thì Brazil xuất được hạt có dầu cho Trung Quốc với trị giá lên tới 8 tỷ USD riêng trong năm 2018.

Năm ngoái, 2019 không phải là một năm cực kỳ khởi sắc đối với Brazil, bởi xuất khẩu đậu tương của nước này bị giảm do dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy nhiều trang trại lợn và vì vậy cũng giảm nhập đậu tương làm thức ăn cho gia súc.

Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu từ Brazil của Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tăng 2 tỷ USD và tăng 20 tỷ USD so với năm 2017.

Khu vực châu Âu

Trong khi đó Đức, nước xuất khẩu lớn nhất châu Âu, đã giảm hẳn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc.

Ngoài ra, Đức cũng là nước phải trả giá cho việc Trung Quốc đánh thuế lên những mặt hàng Mỹ xuất khẩu. Ôtô của hãng Mercedes- Benz sản xuất tại Mỹ để bán cho thị trường Trung Quốc là một ví dụ.

Đó là chưa nói đến việc Đức vẫn phải đối mặt với những đe dọa của Chính quyền ông Trump là sẽ áp thuế lên tất cả các loại ôtô nhập vào Mỹ.

Trong khi đó, Italy là quốc gia chỉ bị ảnh hưởng rất ít từ cuôc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong khi các nước châu Âu khác được hưởng lợi chút ít, theo tính toán của các nhà kinh tế tại công ty JPMorgan.

Nhìn chung xuất khẩu của châu Âu vào Mỹ trong năm 2019 đã tăng 10,3%, trong đó, Hà Lan và Pháp mỗi nước tăng cường xuất khẩu tới hơn 5 tỷ USD, Bỉ 3 tỷ USD và Italy là 2 tỷ USD.

Hãng hàng không Airbus của châu Âu cũng được hưởng lợi sau khi Boeing phải ngừng dòng máy bay 737 Max. Ireland và Bỉ đều xuất khẩu được nhiều thuốc hơn, còn Hà Lan cũng xuất được thêm các sản phẩm từ dầu lửa và máy móc công nghiệp.

Thị trường Nhật Bản

Trong năm 2019, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5,6%, và đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 3 năm, theo số liệu của Bộ Tài chính nước này.

Xuất khẩu của Nhật Bản vào Trung Quốc cũng giảm 7,6% trong khi hàng xuất tới Mỹ cũng giảm 1,4%.

Tuy nhiên, cũng đã có một số tín hiệu cho thấy thời kỳ đen tối nhất có thể đã qua bởi xuất khẩu của Nhật Bản vào Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 10 tháng.

Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc định hình thương mại toàn cầu ảnh 2Quốc kỳ Trung Quốc (phải) và quốc kỳ Mỹ bên ngoài một khách sạn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản được hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ-Trung bởi Trung Quốc đã giảm thuế cho ô tô nhập khẩu từ tất cả các nước, trừ Mỹ.

Ví dụ xuất khẩu xe của hãng Toyota vào Trung Quốc trong năm 2019 tăng 9%, đạt 1,62 triệu chiếc, dù thị trường nhìn chung khá ảm đạm.

Dự báo sắp tới

Hiện, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạm chững lại và IMF đã dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3%, cao hơn mức 1% của năm 2019.

Dự báo cũng cho thấy Mỹ tạm "ngừng chiến" với các đối tác thương mại lớn và rằng các thị trường lớn mới nổi như Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nga sẽ có những tín hiệu tích cực về kinh tế.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi sáng đó được dự báo trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona bùng phát ở Trung Quốc.

Dịch bệnh COVID-19 (nCov) chắc chắn sẽ khiến một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy và một số hoạt động thương mại bị gián đoạn bởi cả thế giới giờ đây đều đang sục sôi nỗ lực dập dịch.

Và với tình hình Mỹ vẫn đang áp thuế lên gần 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì có lẽ còn quá sớm để có thể lạc quan rằng tình hình thương mại toàn cầu sẽ sớm cải thiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục