Cứu sống một bệnh nhân COVID-19 bệnh nền lao, ho ra máu ồ ạt

Trước khi vào viện vài ngày, bệnh nhân K.Đ phát hiện bị nhiễm COVID-19 và phải cách ly tại nhà. Ngày 9/2, bệnh nhân đột ngột ho ra máu ồ ạt, phải đi cấp cứu.
Cứu sống một bệnh nhân COVID-19 bệnh nền lao, ho ra máu ồ ạt ảnh 1Các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) vừa tiến hành cấp cứu thành công cho bệnh nhân K.Đ, 28 tuổi, trú tại Đắk G'long, Đắk Nông bị ho ra máu nhiều.

Qua khai thác, bệnh nhân K.Đ có tiền sử lao phổi nhiều năm nhưng điều trị không liên tục. Trước khi vào viện vài ngày, bệnh nhân K.Đ phát hiện bị nhiễm COVID-19 và phải cách ly tại nhà.

Ngày 9/2, bệnh nhân đột ngột ho ra máu ồ ạt, được chuyển tới Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội).

[Sóc Trăng: Kịp thời cứu sống bệnh nhân đã ngưng tim nhờ kỹ thuật ECMO]

Sau khi thăm khám, các bác sỹ phát hiện ổ giả phình lớn động mạch phế quản phải trong hang lao chính là nguyên nhân gây ho máu ồ ạt. Bệnh nhân sau đó được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để can thiệp nội mạch cầm máu.

Tiến sỹ Lê Thanh Dũng - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin bệnh nhân, các bác sỹ đã hội chẩn và đưa ra phương án can thiệp, kích hoạt quy trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Quá trình xử trí diễn ra rất khẩn trương, vì bệnh nhân có thể chảy máu tái phát và đe dọa tính mạng bất kì lúc nào. Ca can thiệp đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và không có bất kỳ biến chứng nào.

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân Đ. được chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương, tiếp tục điều trị nội khoa. Hiện bệnh nhân ổn định, không còn ho ra máu. Toàn bộ chi phí can thiệp của bệnh nhân đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo tiến sỹ Dũng, ho máu do giãn động mạch phế quản là biến chứng nặng, có tỉ lệ tái phát cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị ho ra máu, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời. Nút mạch cầm máu cấp cứu là phương pháp xâm lấn tối thiểu, an toàn, hiệu quả, tân tiến.

Trong những ngày qua, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận và điều trị liên tiếp nhiều trường hợp chấn thương chảy máu nặng do vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận… trên nền nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tất cả đều được thực hiện theo quy trình tiếp nhận và điều trị nghiêm ngặt của bệnh viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục