Đặc phái viên LHQ kêu gọi nước ngoài không can thiệp vào Libya

Ông Salame nói: “Tôi thực sự tức giận khi chứng kiến mọi người muốn đề cập đến Libya, nhưng rất ít người muốn nói về những người dân Libya và những gì đang xảy ra với họ."
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame đã bày tỏ “giận dữ” trước sự can thiệp của nước ngoài ở quốc gia Bắc Phi đang bị chiến tranh tàn phá này, đồng thời cho rằng người dân Libya “đã phải chịu đựng quá nhiều.”

Phát biểu ngày 6/1 sau cuộc họp kéo dài 2 giờ đồng hồ với các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Salame nói: “Tôi thực sự tức giận khi chứng kiến mọi người muốn đề cập đến Libya, nhưng rất ít người muốn nói về những người dân Libya và những gì đang xảy ra với họ. Người dân Libya đã chịu đựng quá đủ rồi.”

Khi được hỏi về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tới Libya hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, ông Salame trả lời: "Đất nước này đang phải chịu đựng quá nhiều sự can thiệp nước ngoài theo những cách khác nhau."

Ông cũng yêu cầu các nước không can thiệp vào Libya, đồng thời cho rằng Hội đồng Bảo an đã thất bại trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận về một giải pháp ngừng bắn ở Libya kể từ tháng 4/2019.

[Libya: Quân đội miền Đông chiếm sân bay thành phố Sirte]

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Salame đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 5/1 thông báo binh sĩ nước này đã bắt đầu được triển khai tới Libya nhằm mục đích hỗ trợ GNA trong cuộc giao tranh với lực lượng miền Đông của Tướng Khalifa Haftar.

Việc triển khai này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain khi cho rằng Ankara đã vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền Libya cũng như sự thống nhất đất nước của quốc gia Bắc Phi này.

Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Tại nước này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA  được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và UAE hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Từ tháng 4/2019, LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli. Giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người thương vong, hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Trong mấy tuần gần đây, LNA đã đẩy mạnh tấn công các khu vực lân cận Tripoli. Cuối tháng 12/2019, GNA đã chính thức đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục