Đại biểu Quốc hội: Cần chỉ rõ ‘lợi ích nhóm’ là nhóm nào?

Khi chia sẻ câu chuyện liên quan tới tham nhũng, lợi ích nhóm..., bên lề kỳ họp Quốc hội các đại biểu cho rằng “quan trọng là cần chỉ rõ đó là nhóm nào” bởi đây đã là thực tế không thể chối cãi.
Đại biểu Quốc hội: Cần chỉ rõ ‘lợi ích nhóm’ là nhóm nào? ảnh 1Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trong dự thảo của Ban chấp hành Trung ương đưa ra lấy ý kiến trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV có đề cập đến các lợi ích nhóm và thể hiện rất rõ trong báo cáo chính trị. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu khi chia sẻ câu chuyện tham nhũng cho rằng “quan trọng là chúng ta cần chỉ rõ đó là nhóm nào” bởi đây đã là thực tế không thể chối cãi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Quốc hội tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này.

Nguy hiểm nhất là "tham nhũng chức vụ"

- Trong báo cáo của Chính phủ, năm 2020, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng đối với hơn 17.900 cán bộ, công chức, viên chức (tăng hơn 50% so với năm 2019). Suy nghĩ của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan Nhà nước, các cấp Ủy, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, không bao che cho quan chức nên đã công khai trước Quốc hội và trước nhân dân.

Có thể nói con số chuyển đổi vị trí công tác tăng cao do hai vấn đề. Thứ nhất, do các cơ quan quyết liệt hơn trong giải quyết các vụ việc bức xúc, các vấn đề tố cáo để tìm ra sự thật, để khẳng định rằng có tham nhũng. Thứ hai, có lẽ chúng ta không thể chống lại xu thế, bởi vụ việc khi đã trở thành vấn đề bức xúc, đã quá lộ liễu...

[Thủy điện Rào Trăng: ‘Đừng vì kinh tế mà để lại hậu quả khó lường...']

Đánh giá vấn đề này, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ quá trình quản lý Nhà nước và xử lý đối với những thông tin tố cáo, tố giác, những bức xúc của người dân và báo chí đối với vấn đề tham nhũng. Vì vậy, phải xem xét trách nhiệm của những người đã để xảy ra tình trạng này. Giả sự vụ việc xảy ra cách đây 5 năm, đến bây giờ mới phát hiện, vậy 5 năm trước trách nhiệm là của ai?

Tôi lấy ví dụ việc bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn vào chức vụ Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia). Hồ sơ đã được trả lại, điều đó có nghĩa 'anh bổ nhiệm' đã làm sai. Đây là vấn đề tham nhũng cán bộ.

Hiện nay những vụ việc được giải quyết chủ yếu là tham nhũng tài sản, còn tham nhũng nặng nhất, nguy hiểm nhất là tham nhũng chức vụ, tham nhũng quyền lực thì chưa giải quyết được. Đây là vấn đề khó nhất.

Tôi cũng chia sẻ với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 là có một số vụ việc tuy phát hiện sai phạm nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng này gặp nhiều khó khăn. Điều đó có nghĩa là đằng sau đó có những vấn đề rất tế nhị mà trong báo cáo có thể chưa thể hiện được.

- Ông có cho rằng có lợi ích nhóm?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề này người dân đã nói từ lâu và tôi cũng xin nói thẳng là chúng ta không né tránh.

Trong dự thảo của Ban chấp hành Trung ương đưa ra lấy ý kiến đợt này cũng nêu rõ có lợi ích nhóm và đã được thể hiện trong báo cáo chính trị chứ không còn là võ đoán.

Điều quan trọng là chúng ta cần chỉ rõ đó là nhóm nào, chỉ rõ là ai bởi hiện tượng đã rõ và về mặt chính trị đã khẳng định điều này là không thể chối cãi.

Muốn một thể chế tốt, cần loại trừ những “sâu mọt” trong Đảng

- Trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII có nêu xây dựng Đảng phải gắn với chỉnh đốn Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội khác. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đọc báo cáo và có rất nhiều cảm xúc, bởi thấy rằng một mặt Đảng đã nhìn vào sự thật, phản ánh rõ, thậm chí đề cập đến rất nhiều vấn đề và được người dân hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa chúng ta đang đứng trước một nguy cơ rất lớn mà Đảng xác định vấn đề tham nhũng giống như là “giặc nội xâm.” Cái khó nhất và cũng quan trọng nhất là chúng ta đặt ra vấn đề chỉnh đốn Đảng và phải chỉnh đốn toàn bộ.

Tôi thấy cụm từ “để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” được sử dụng rất nhiều lần, có nghĩa những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ban chấp hành Trung ương đang rất lo lắng về tình trạng tham nhũng. Mà nếu không chỉnh đốn Đảng là mất Đảng, mất Đảng là mất chế độ.

Hiện nay, vấn đề đặt ra là chỉnh đốn toàn diện từ các cấp, các ngành, chỉnh đốn thể chế, chỉnh đốn người đứng đầu cho đến trực tiếp cán bộ Đảng viên, là những người được Đảng cử vào cơ quan Nhà nước.

Điều tôi thấy khó khăn nhất là việc cơ cấu cán bộ và bản thân Đảng phải chỉnh đốn những cán bộ này đầu tiên. Muốn một thể chế tốt mà không làm tốt từ khâu cán bộ, vẫn đưa những “sâu mọt” vào nắm giữ các vị trí quan trọng và rường cột thì việc chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn các cơ quan không có nhiều ý nghĩa.

Chỉnh đốn Đảng là câu chuyện rất dài, nhưng chỉnh đốn trong Đảng phải là đầu tiên và trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh khâu này là khâu đầu tiên./.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ về vấn đề tham nhũng và chỉnh đốn Đảng:

Trích báo cáo của Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng 2020:

- Toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

- Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 02 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.

- Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

- Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục