Đảm bảo lợi ích chiến lược của Ấn Độ thông qua thị trường tiền điện tử

Ấn Độ có thể sử dụng bitcoin như một phần của dự trữ tài chính chiến lược để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Tiền kỹ thuật số sẽ giúp Ấn Độ ngăn chặn lạm phát, tích lũy vốn, tăng trưởng kinh tế.
Đảm bảo lợi ích chiến lược của Ấn Độ thông qua thị trường tiền điện tử ảnh 1Hình ảnh mô phỏng đồng tiền điện tử Bitcoin tại cửa hàng giao dịch ở Tel Aviv, Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang ORF đăng bài phân tích của Nghiên cứu viên cao cấp Sambuddha Mitra Mustafi với tựa đề: “Kinh doanh bitcoin: Đảm bảo lợi ích chiến lược của Ấn Độ.”

Theo bài viết, giữa tháng 5/2022, El Salvador đã tổ chức sự kiện được mệnh danh là “Davos của bitcoin” đầu tiên. Sự kiện có sự tham gia của người đứng đầu ngân hàng trung ương 44 quốc gia đang phát triển.

Ấn Độ có lý do hợp lý để sớm sử dụng bitcoin

Quan sát một cách tách biệt, sự kiện có vẻ không quá quan trọng, nhưng khi đặt trong bối cảnh sự thống trị của đồng USD bị xói mòn, lạm phát toàn cầu tăng cao, xung đột quyền lực lớn và trật tự thế giới đang thay đổi, thì sự kiện bitcoin là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm đang ngày càng lớn của thế giới đối với đồng tiền được cho là đối thủ mới của đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Bitcoin là loại tiền phức tạp nhất từng được phát minh ra do tính khan hiếm tuyệt đối về mặt toán học. Giới chuyên gia cho rằng trò chơi quyền lực về sự thống trị của giữa đồng USD, nhân dân tệ của Trung Quốc và bitcoin sẽ diễn ra trong một giai đoạn địa chính trị hấp dẫn của thập kỷ này.

Có thể thấy, bitcoin có những lợi thế nhất định. Mọi quốc gia, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc, đều có động cơ hợp lý để sử dụng Bitcoin cho thương mại toàn cầu. Đây là cơ hội chưa từng có để các quốc gia đang phát triển đi trước các siêu cường toàn cầu trong đổi mới tài chính, bằng cách là những nước đầu tiên thúc đẩy một tiêu chuẩn tiền tệ cứng rắn hơn.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều nước đang phát triển có thể bỏ lỡ cơ hội này, một phần do các chiến lược không hợp lý được hình thành bởi sự bất cân xứng về thông tin, phần khác do ngân hàng trung ương muốn giữ quyền kiểm soát chính sách tiền tệ của nước mình.

[2022 là một năm khó khăn với các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số]

Bài viết của nghiên cứu viên cao cấp Sambuddha Mitra Mustafi ho rằng là một quốc gia có chủ quyền có lợi ích được phục vụ tốt hơn bởi một loại tiền dự trữ trung lập, Ấn Độ có lý do hợp lý để trở thành sớm sử dụng bitcoin.

Tuy nhiên, môi trường pháp lý rất phức tạp do xung đột lợi ích giữa một số bên liên quan chính trong và ngoài nước sẽ là thách thức lớn. Do đó, cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp phải đóng vai trò giám sát mạnh mẽ trong việc điều chỉnh quy định về tiền điện tử của Ấn Độ với lợi ích quốc gia và các giá trị hiến pháp.

Nếu có ngày càng nhiều quốc gia nhận thấy động cơ hợp lý của việc áp dụng bitcoin, hiệu ứng đám đông có thể xảy ra. Khi đó, tỷ lệ quốc gia phản đối bitcoin sẽ giảm, với sự tăng dần ở tỷ lệ các quốc gia sử dụng đồng tiền này.

Bitcoin có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, chủ quyền tài chính và độc lập năng lượng của Ấn Độ trong thế kỷ XXI. Chúng ta có thể học hỏi từ lịch sử. Nửa sau của thế kỷ XIX, khi phần lớn thế giới chuyển sang tiêu chuẩn vàng, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì tiêu chuẩn bạc. Điều này dần dần làm xói mòn các điều kiện thương mại và dẫn đến sự yếu kém về chiến lược cũng như sự lạc hậu về kinh tế kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Do đó, bằng cách ngăn chặn việc áp dụng bitcoin hôm nay, Ấn Độ (và Trung Quốc) có thể mắc phải những lỗi tương tự với những tác động nghiêm trọng trong tương lai. Chính vì vậy, việc trở thành nước áp dụng sớm bitcoin là chiến lược hợp lý của Ấn Độ vì lợi ích quốc gia.

Sức mạnh toàn cầu của đồng USD hiện đang bị xói mòn do các sự kiện địa chính trị gần đây. Điều này có nghĩa là một sự chuyển đổi quan trọng đang diễn ra trong nền tài chính toàn cầu. Khi hệ thống dựa trên đồng USD sụp đổ trong một loạt các cuộc khủng hoảng tiền tệ, các quốc gia sử dụng bitcoin có thể có vị thế tốt hơn và thậm chí phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa phi tập trung mới.

Trong bối cảnh đó, việc “cấm cản” bitcoin sẽ là một lỗi chính sách nghiêm trọng có thể khiến Ấn Độ tụt lùi hàng thập kỷ.

Vai trò của bitcoin với kinh tế Ấn Độ

Đồng bitcoin về cơ bản khác với các loại tiền kỹ thuật số hoặc tài sản ở khía cạnh công nghệ, tài chính, địa chính trị và pháp lý. Bitcoin là một “hàng hóa tổng hợp kỹ thuật số” tương tự (nhưng tốt hơn) vàng.

Đối với các quốc gia và cá nhân, bitcoin loại bỏ nhu cầu sử dụng trung gian tài chính với kiến trúc phi tập trung. Là một quốc gia có chủ quyền với các quyền tự do cá nhân, bitcoin phù hợp với các giá trị hiến pháp và đặc tính dân chủ của Ấn Độ.

Ấn Độ có thể sử dụng bitcoin như một phần của dự trữ tài chính chiến lược để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Tiền kỹ thuật số sẽ giúp Ấn Độ ngăn chặn lạm phát và mở ra một kỷ nguyên mới tích lũy vốn, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng.

Bên cạnh đó, bitcoin cũng có thể thay thế vàng và USD trở thành tài sản hàng hóa và đồng tiền dự trữ toàn cầu tương ứng trong 10-15 năm tới. Lý thuyết trò chơi quốc gia-nhà nước, lịch sử tiền tệ, hiệu ứng mạng của công nghệ và các sự kiện địa chính trị hiện tại đều hướng đến kết quả tất yếu đó.

Về chiến lược địa chính trị và an ninh quốc gia, việc Ấn Độ chuyển sang Tiêu chuẩn Bitcoin sẽ đối trọng với sự bành chướng của đồng nhân dân tệ Trung Quốc với hy vọng thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Việc để đồng nhân dân tệ lấn át trong cuộc đua sẽ là một thảm họa đối với chủ quyền tài chính và an ninh quốc gia của Ấn Độ. Trong khi đó với Bitcoin, Ấn Độ có thể vượt qua thách thức này.

Khai thác Bitcoin tập trung vào việc sản xuất điện dồi dào bằng cách duy trì việc triển khai cơ sở hạ tầng lưới điện. Trong bối cảnh đó, khả năng duy trì nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích đặc biệt và điều này có thể báo trước một kỷ nguyên mới để Ấn Độ nổi lên như một siêu cường năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, Ấn Độ là quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới với 87 tỷ USD trong năm 2021, trong khi mạng Lightning của bitcoin cho phép chuyển tiền ngay lập tức với mức phí gần như bằng 0 từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Một số khuyến nghị và cảnh báo

Cảnh báo đầu tiên liên quan đến sự biến động. Thị trường tiền điện tử rộng lớn hiện đang trong giai đoạn áp dụng ban đầu, với đầy rẫy những biến động giá phi thường, các cuộc thử nghiệm thất bại và các kế hoạch mờ ám.

Bản thân bitcoin cũng đang tiếp tục phát triển theo chu kỳ. Mô hình giao dịch hiện tại có mối tương quan chặt chẽ với các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao, báo hiệu thị trường vẫn coi bitcoin như một tài sản có rủi ro chứ không phải là nơi trú ẩn an toàn như vàng.

Do đó, để tránh khỏi những biến động, một nhà đầu tư địa chính trị nên có cái nhìn dài hạn dựa trên các nguyên tắc cơ bản của bitcoin, cùng với chiến lược tính trung bình chi phí.

Ngoài ra, tính thanh khoản của bitcoin tương đối thấp. Năm 2021, bitcoin đạt mức vốn hóa thị trường là 1.000 tỷ USD chỉ sau 12 năm tồn tại - là quỹ đạo tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử của bất kỳ loại tài sản hoặc tiền tệ nào.

Tuy nhiên, thanh khoản giao dịch vẫn mỏng nếu so với các thị trường ngoại hối có khối lượng giao dịch hàng ngày là 6.600 tỷ USD trong năm 2019. Nếu một quốc gia quy mô vừa hoặc lớn thông báo trước về việc mua lại bitcoin, điều đó có thể ngay lập tức kích hoạt chu kỳ cường điệu hóa, làm tăng giá và tăng chi phí mua lại.

Do đó, một chiến lược thận trọng đối với bất kỳ quốc gia nào là mua dưới sự quan sát của thị trường (như thị trường chúng ta hiện tại) và chỉ công khai sau khi hoàn tất một vòng mua lại đầy đủ.

Về nhu cầu sử dụng năng lượng, khai thác bitcoin có thể là chìa khóa cho an ninh mạng và chủ quyền tài chính của Ấn Độ trong tương lai gần. Tuy nhiên, khai thác mỏ là một ngành công nghiệp toàn cầu sử dụng nhiều năng lượng và có tính cạnh tranh cao, ở đó các công ty khai thác sẽ chú ý đến các khu vực có nguồn cung cấp điện dồi dào và rẻ nhất.

Cơ sở hạ tầng năng lượng và giá cả của Ấn Độ hiện không phù hợp với việc duy trì các hoạt động khai thác bitcoin quy mô lớn. Mặc dù vậy, điều này có thể mang lại cơ hội lớn cho cả những “gã khổng lồ” về năng lượng công và tư nhân, cũng như các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Các mô hình thành công trên toàn cầu có thể được nghiên cứu và sau đó điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Ấn Độ. Ví dụ, bang Texas giàu năng lượng và bang Wyoming ở Mỹ, bang British Columbia ở Canada hay một số quốc gia Trung Đông là những nơi đi đầu trong lĩnh vực khai thác.

Một thách thức khác liên quan đến hoạt động rửa tiền và tài trợ tội phạm. Các hoạt động rửa tiền chiếm 0,05% tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử trong năm 2021, theo một báo cáo của hãng cung cấp dịch vụ phân tích và dữ liệu Chainalysis.

Trong bối cảnh đó, tính minh bạch vốn có của chuỗi khối bitcoin là lưu giữ vĩnh viễn hồ sơ kỹ thuật số công khai của mọi giao dịch khiến đồng tiền này trở thành một lựa chọn tồi cho tội phạm mạng nếu các cơ quan thực thi pháp luật bắt kịp tốc độ với công nghệ.

Như báo cáo lưu ý, phần lớn tội phạm mạng hiện đang xảy ra trên các nền tảng “tài chính phi tập trung” (DeFi) ẩn danh và phức tạp hơn.

Cuối cùng là về giáo dục. Ở Ấn Độ, việc giáo dục công cộng và tiên tiến xung quanh vấn đề bitcoin vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Bitcoin không chỉ là một công nghệ mới mà còn là một cách nhìn mới về tiền tệ. Do đó, một chương trình giảng dạy liên ngành bitcoin sẽ cần bao quát các chủ đề về kỹ thuật, tài chính, kế toán, khoa học máy tính, mật mã...

Khi chúng ta chuyển đổi sang một hình thức tiền mới, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng học thuật để có thể hướng dẫn nền kinh tế và xã hội thích ứng với sự biến đổi./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục