Đảm bảo lương thực cho người dân vùng phong tỏa phường Chương Dương

Với khoảng 23.000 dân, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lại không có chợ nên việc cung ứng lương thực, thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp tế từ người thân, bạn bè và mua online.
Đảm bảo lương thực cho người dân vùng phong tỏa phường Chương Dương ảnh 1 Lực lượng tình nguyện vận chuyển nhu yếu phẩm cho nhân dân phường Chương Dương và Phúc Tân. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngay sau khi quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ban hành quyết định tiếp tục phong tỏa phường Chương Dương đến ngày 28/8 để phòng, chống dịch COVID-19, có nhiều người thân của những cư dân sống trong khu cách ly và nhiều người vận chuyển đồ thuê đã đến các cửa khẩu trên địa bàn để gửi lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vào bên trong.

Trước đó, phường Chương Dương đã bị phong tỏa từ ngày 31/7 đến ngày 14/8 do xuất hiện nhiều ca F0 trên địa bàn.

Với khoảng 23.000 dân, phường Chương Dương lại không có chợ nên việc cung ứng lương thực, thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp tế từ người thân, bạn bè và mua online (trực tuyến). Trong khu vực phong tỏa, người dân hạn chế ra khỏi nhà trừ những trường hợp đặc biệt khẩn cấp.

Vì vậy, để có thể vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân, phường Chương Dương đã sử dụng các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, hằng ngày đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng vào từng nhà cho bà con vào buổi sáng và buổi chiều.

[Thiết lập chốt cứng để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19]

Theo quy định của phường Chương Dương, giờ tiếp nhận hàng hóa từ 8-10h và từ 14-16h hằng ngày, thực hiện liên tục cho đến khi phường được dỡ phong tỏa. Quan sát tại cửa khẩu Cầu Đất vào ngày 15/8, nhiều người dân và người vận chuyển đồ thuê xếp hàng gửi đồ khá đông.

Lực lượng chức năng liên tục dùng loa kêu gọi mọi người thực hiện giãn cách. Toàn bộ các thùng đựng hàng hóa được khử khuẩn trước khi chuyển qua hàng rào vào bên trong khu vực phong tỏa.

Sau khi hàng hóa được chuyển vào bên trong, thành viên của tổ cung ứng sẽ phun khử khuẩn các thùng, bao gói, sau đó phân loại hàng hóa theo số nhà chẵn, lẻ để vận chuyển được nhanh, gọn, chính xác.

Tổ cung ứng bố trí 2 xe điện vận chuyển hết công suất, tuy nhiên, do lượng hàng gửi vào quá nhiều nên lực lượng chức năng đã huy động thêm xe máy, đảm bảo lương thực, thực phẩm đến tay người dân còn tươi.

Tham gia vận chuyển lương thực đến tận nhà người dân còn có lực lượng thanh niên tình nguyện, Hội Phụ nữ phường, lực lượng Công an phường Chương Dương.

Tổ cung ứng phường Chương Dương gồm 80 thành viên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và trang bị phòng hộ đầy đủ sẽ tiếp nhận hàng hóa tại 3 địa điểm. Trong số đó, cửa khẩu Hàm Tử Quan tiếp nhận hàng ủng hộ; cửa khẩu Chương Dương Độ tiếp nhận hàng các địa bàn dân cư Hồng Hà 1, 2, 3, 4; cửa khẩu Cầu Đất tiếp nhận hàng các địa bàn dân cư Hồng Hà 5, 6, Bạch Đằng 5, 6.

Mọi trường hợp gửi đồ sai địa điểm, tổ cung ứng sẽ không thực hiện. Với những trường hợp bị thất lạc, người dân có thể thông báo và gửi hình ảnh thùng hàng vào số điện thoại của tổ cung ứng.

Chị Vũ Thị Thanh Hương, tổ dân phố 14, phường Chương Dương cho biết từ ngày toàn phường bị phong tỏa để phòng, chống dịch, mọi hoạt động tiếp tế lương thực, thực phẩm đều được chính quyền và các đoàn thể quan tâm.

“Trong những ngày qua, người dân trong khu phong tỏa không thiếu lương thực, thực phẩm. Tổ cung ứng làm việc rất nhiệt tình, chuyển đồ nhanh chóng. Tôi cũng chưa thấy ai kêu bị thất lạc đồ," chị Thanh Hương cho biết thêm.

Đảm bảo lương thực cho người dân vùng phong tỏa phường Chương Dương ảnh 2Lực lượng tình nguyện vận chuyển nhu yếu phẩm cho nhân dân phường Chương Dương và Phúc Tân. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tại tổ dân phố của chị Hương, khoảng 40-50 hộ thành lập một nhóm Zalo để lấy thông tin đặt thực phẩm của từng nhà. Sau khi lấy danh sách, tổ trưởng tổ dân phố sẽ đi mua giúp mọi người và đưa về tận nhà rất tận tình.

Anh Trương Ngọc Thiện, tổ dân phố 18, phường Chương Dương cho biết từ ngày phường bị phong tỏa, gia đình anh gồm 4 người luôn chấp hành nghiêm quy định. Trước đây, gia đình anh cử người ra điểm nhận hàng, nhưng từ khi có tổ cung ứng thì hàng hóa được đưa đến tận nhà.

Hơn nữa, đội ngũ thanh niên tình nguyện, hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc phường luôn quan tâm, hỗ trợ người dân nhiệt tình.

"Phong tỏa thời gian dài cũng khá bất tiện, nhất là với những người đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, gia đình tôi luôn ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên nhất trí thực hiện nghiêm túc mọi quy định của thành phố. Hy vọng hết đợt phong tỏa lần này, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đẩy lùi để chúng tôi sớm được trở lại cuộc sống bình thường," anh Thiện bày tỏ.

Ngay từ đợt phong tỏa đầu tiên vào ngày 31/7, để đảm bảo không hộ gia đình nào trong khu vực thiếu lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức tiếp nhận hàng hóa, đồ tiếp tế và vận chuyển nhanh chóng đến người dân.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, quận đã phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp đầy đủ các mặt hàng và đưa đến tận cửa nhà từng hộ gia đình, không để gia đình nào thiếu thốn lương thực, thực phẩm.

Để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện phong tỏa cho khoảng 6.000 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu, quận Hoàn Kiếm đã cử một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận vào bên trong khu phong tỏa để trực tiếp chỉ đạo.

Người dân phường Chương Dương đồng lòng thực hiện quyết định phong tỏa của quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, trong lần phong tỏa tiếp theo này, nhiều người cho rằng một số khu vực sau khi xét nghiệm sàng lọc đã có kết quả âm tính. Vì vậy, quận cần nghiên cứu để thu hẹp diện phong tỏa, tạo điều kiện cho người dân đi làm trở lại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, cho biết quận tiếp tục phong tỏa phường Chương Dương thêm 14 ngày để xét nghiệm diện rộng cho người dân trong khu vực do phát hiện thêm một ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm sàng lọc.

Sau khi xét nghiệm diện rộng và xin ý kiến chuyên môn của ngành y tế, quận sẽ xem xét thu hẹp khu vực phong tỏa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục