Đảm bảo phát triển bình đẳng giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 với sự tham dự của trên 1.000 đại biểu.
Đảm bảo phát triển bình đẳng giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 29/6, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 theo hình thức trực tuyến tới 52 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của trên 1.000 đại biểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh, đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc giao vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu cho chính quyền các cấp để triển khai hoạt động cụ thể hóa.

[Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi]

Để việc thực hiện được thống nhất, đồng bộ, đồng thời phát hiện được những vấn đề khó khăn, tồn tại, vướng mắc ngay từ đầu, Ủy ban Dân tộc mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng như các ngành liên quan.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để điều chỉnh, có những giải pháp điều hành hiệu quả nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị các đại biểu dự hội nghị đóng góp ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, đề xuất các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trong phạm vi triển khai, thống nhất về tư tưởng và hành động.

Tính đến cuối tháng 6/2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19, đặc biệt số ca mắc tăng cao, lan nhanh ở hầu khắp các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số trong quý 1/2022, song tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số trong 6 tháng năm 2022 cơ bản được ổn định nhờ hiệu quả từ chính sách tiêm vaccine phòng COVID-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Đời sống người dân cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Kinh tế dần được mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân vùng dân tộc thiểu số được hồi phục. An sinh xã hội, an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Giá một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ. Thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Trong 6 tháng năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành việc thành lập Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng để tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn I từ 2021-2025.

Đảm bảo phát triển bình đẳng giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đồng thời, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành chủ trì triển khai nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được phân công quản lý; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình.

Kể từ năm 2021, các chính sách dân tộc hầu hết được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, một số chính sách còn hiệu lực vẫn tiếp tục được triển khai.

Bên cạnh việc thực hiện Chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn ban hành các chính sách đặc thù riêng nhằm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc.

Trong 6 tháng năm 2022, có 19 tỉnh ban hành chính sách đặc thù, tổng số 55 chính sách, nội dung chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn, bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt; cấp muối iốt...

Trong bối cảnh đặc thù về thời gian giao vốn năm 2022 vào thời điểm cuối tháng 6; căn cứ các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019 cùng các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về tiến độ phân bổ, giải ngân vốn của Chương trình.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Ủy ban Dân tộc đề nghị đơn vị các cấp khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn; tập trung đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; triển khai đồng bộ các nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, theo dõi, giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác dân tộc được tiếp tục tăng cường, song song với triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông ở các cấp; huy động nguồn lực, sự tham gia của các đối tác phát triển, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, người dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thông tin chung về Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia; những định hướng cho chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục