Đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Trong điều kiện Việt Nam ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, các loại khiếu kiện, tranh chấp kinh doanh có yếu tố nước ngoài cũng phát sinh nhiều hơn.
Đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ảnh 1Ảnh minh họa.

Sáng 27/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam."

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải nêu rõ trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, số lượng các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động không ngừng tăng lên với mức độ, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, trong điều kiện Việt Nam ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, các loại khiếu kiện, tranh chấp kinh doanh có yếu tố nước ngoài cũng phát sinh nhiều hơn.

Do vậy, yêu cầu về một nền tư pháp mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bằng việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận, được hỗ trợ những điều kiện pháp lý tốt nhất theo hướng khách quan, minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ chính của Ban Nội chính Trung ương là nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Nhiệm vụ này ngày càng nặng nề hơn.

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Nội chính Trung ương sẽ cùng các cơ quan liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp mới giai đoạn sau năm 2020. Do vậy, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm của các nước là rất cần thiết, kịp thời và hữu ích cho quá trình nghiên cứu, đề xuất, tham mưu của Ban Nội chính Trung ương đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong định hướng hoàn thiện cơ chế đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho rằng hội thảo là dịp lắng nghe ý kiến của các luật sư, chuyên gia nhằm tăng cường tính liêm chính tư pháp để thúc đẩy môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Các thông tin này sẽ giúp cho những nhà xây dựng chính sách, các cơ quan… thực hiện cải cách tư pháp, giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính minh bạch để tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn tại Việt Nam.

Trình bày tóm tắt Báo cáo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam," ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự - đại diện nhóm nghiên cứu, khẳng định liêm chính tư pháp, đặc biệt là chất lượng hoạt động của các cơ chế bảo đảm liêm chính có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, tăng trưởng đầu tư.

Để cải thiện hơn nữa các cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp, Việt Nam cần hoàn thiện các chính sách, quy phạm pháp luật và các cơ chế để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, chú trọng tới tính độc lập của hệ thống tư pháp, bảo đảm hiệu quả của hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng.

[Cải cách tư pháp: Niềm tin và cách ứng xử với niềm tin]

Báo cáo cũng đề xuất Ban Nội chính Trung ương về một số vấn đề cụ thể để phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với các cấp, các ngành hoàn thiện cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp (cụ thể là hệ thống tòa án).

Báo cáo đề xuất lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán là những công chức thực tài, có phẩm chất, đồng thời bảo đảm thu nhập để thẩm phán có thể độc lập, kiên định bảo vệ công lý và giữ gìn liêm chính.

Qua thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng thời gian gần đây, vai trò, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên, vai trò của tư pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Vấn đề này đang đặt ra cho các cơ quan, cán bộ tư pháp trọng trách nặng nề hơn. Do vậy, cùng với cải cách tổng thể tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp, cũng phải hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Cán bộ tư pháp phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức, phải hiểu biết đầy đủ, toàn diện về pháp luật, kiến thức trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Một số ý kiến chỉ rõ việc phân tích, so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các cơ quan xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp... tạo điều kiện xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phát triển một môi trường kinh doanh công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục