Đàm phán Brexit: Anh và Liên minh châu Âu khó thu hẹp khoảng cách

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết việc rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU là cần thiết để nước Anh tận dụng sự độc lập mới tìm thấy của mình.
Đàm phán Brexit: Anh và Liên minh châu Âu khó thu hẹp khoảng cách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: European Commission)

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox ngày 27/2 lên tiếng bảo vệ các kế hoạch của Anh từ bỏ các mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) để theo đuổi một chính sách thương mại độc lập hậu Brexit, chỉ việc nước Anh rời khỏi EU.

Phát biểu tại London ngày 27/2, Bộ trưởng Fox cho biết việc rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU là cần thiết để nước Anh tận dụng sự độc lập mới tìm thấy của mình.

Người đứng đầu Bộ Thương mại Quốc tế Anh kêu gọi "một chính sách thương mại hoàn toàn độc lập” cho phép nước Anh ký kết các thỏa thuận với các thị trường mới.

Bộ trưởng Fox cùng ngày cũng có bài phát biểu công kích kế hoạch giữ Anh ở lại Liên minh hải quan của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn - điều sau đó được đích thân Thủ tướng Anh Theresa May bác bỏ.

Ông Fox nhấn mạnh bất kỳ hình thức liên minh hải quan nào với EU sau Brexit sẽ là “sự bán rẻ hoàn toàn” đối với nước Anh. Vị thế của Anh sẽ giảm sút, nếu nước này rời thỏa thuận hiện có trong khi lại đàm phán một thỏa thuận mới tương tự. Thêm vào đó, việc phải chấp nhận các quy định của EU trong khi lại hạn chế các thỏa thuận khác sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Anh.

Dự kiến, trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier ngày hôm nay (28/2) sẽ công bố hiệp ước dự thảo Brexit vốn được chờ đợi từ lâu, đe dọa gây ra những tranh cãi mới với Anh về một số vấn đề quan trọng.

[Dự thảo Brexit của Liên minh châu Âu có nguy cơ khơi lại căng thẳng]

Tài liệu dài 120 trang này dường như bỏ qua những yêu cầu chính của Thủ tướng Anh Theresa May về biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, các quyền lợi công dân và một giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.

Báo chí Anh đưa tin EU còn sẽ đưa điều khoản Anh phải tuân thủ sự giám sát của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vào văn bản pháp lý trên. EU muốn ECJ sẽ là trọng tài có quyền hạn tối cao trong các cuộc tranh chấp liên quan giữa Anh và EU sau Brexit.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson ngày 27/2 nhấn mạnh Chính phủ Anh sẽ không chấp nhận một thỏa thuận Brexit trong đó ràng buộc Anh nằm dưới sự phán quyết của ECJ sau Brexit, đồng thời cho rằng nước Anh cần lấy lại sự kiểm soát luật của mình.

Diễn biến Brexit càng trở nên “nóng” hơn khi ngày 27/2, chính quyền Scotland và Wales công bố “các dự luật liên tục” để đảm bảo luật EU sẽ được duy trì trong hai khu vực này sau khi Anh rời khỏi khối, bên cạnh việc giúp ngăn luật của họ bị thay đổi tại Westminster mà không có sự đồng ý của hai chính quyền này.

Hiện mức độ đồng thuận của EU và Anh trong đàm phán Brexit không đủ để đảm bảo hai bên đạt được một thỏa thuận "ly hôn" và một thỏa thuận chuyển tiếp hậu Brexit đúng thời hạn, ông Barnier một lần nữa lên tiếng cảnh báo vào ngày 27/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục