Đắm thuyền ngoài khơi Tunisia khiến 5 người di cư thiệt mạng

Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã cứu được 20 người trong vụ đắm thuyền và đang tiếp tục triển khai tìm kiếm những người di cư mất tích ngoài khơi thành phố Sfax.
Đắm thuyền ngoài khơi Tunisia khiến 5 người di cư thiệt mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông khu vực ngày 7/1 đưa tin một thuyền chở người di cư từ khu vực châu Phi Nam Sahara đã bị đắm ngoài khơi Tunisia khiến 5 người trên thuyền thiệt mạng, trong khi 10 người khác vẫn chưa rõ tung tích.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã cứu được 20 người và đang tiếp tục triển khai tìm kiếm người mất tích ngoài khơi thành phố Sfax.

Theo các nhà chức trách Tunisia, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đang chịu áp lực lớn khi dòng người di cư ngày một gia tăng, trong khi thiếu thốn phương tiện và trang-thiết bị.

Bờ biển Tunisia cách đảo Lampedusa của Italy chưa đầy 150km, là điểm khởi hành của nhiều người di cư từ châu Phi-Trung Đông tìm cách vượt Địa Trung Hải đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, tuyến đường biển trung tâm của Địa Trung Hải nối bờ biển các nước Bắc Phi với Italy là con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích.

Theo Diễn đàn Kinh tế và Quyền lợi xã hội (FTDES) của Tunisia - tổ chức chuyên giám sát các vấn đề di cư, hơn 23.500 người di cư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã bị chặn ngoài khơi Tunisia trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2022. Cũng trong khoảng thời gian này, ít nhất hơn 500 người đã thiệt mạng và mất tích trên biển.

[Tunisia triệt phá đường dây đưa người di cư trái phép sang châu Âu]

EU-Ai Cập đẩy mạnh hợp tác vấn đề người di cư

Cùng ngày, Trưởng phái đoàn EU tại Ai Cập Christian Berger cho biết, trong năm 2023, EU và Ai Cập sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong vấn đề người di cư.

Ông Berger thông báo ngân sách cho 34 dự án hợp tác song phương trong vấn đề người di cư đã đạt 111 triệu euro, trong đó có một thỏa thuận về chương trình quản lý biên giới được ký kết tháng 10/2022 với tổng trị giá 80 triệu euro. Giai đoạn đầu của thỏa thuận trị giá 23 triệu euro, giai đoạn 2 trị giá 57 triệu euro sẽ được triển khai trong năm nay.

Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển và biên phòng của Ai Cập ngăn chặn tình trạng di cư bất thường và nạn buôn người tồn tại dọc biên giới của nước này, trong đó tăng cường cung cấp các trang thiết bị giám sát cho quốc gia Bắc Phi này như tàu tìm kiếm và cứu hộ, máy ảnh nhiệt và hệ thống định vị vệ tinh.

Bên cạnh đó, ông Berger cho biết thỏa thuận năm 2017, trị giá 60 triệu euro, cũng được triển khai hiệu quả, theo đó cải thiện công tác quản lý di cư của Ai Cập, giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư bất thường và hỗ trợ các cộng đồng tiếp nhận người di cư và tị nạn.

Ai Cập đã tăng cường nỗ lực ứng phó với tình trạng di cư trái phép kể từ năm 2016, khi Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi lần đầu tiên công bố chiến lược quốc gia ngăn chặn hoạt động di cư bất hợp pháp và phê chuẩn Luật 82/2016 quy định các mức phạt hình sự đối với tất cả hình thức di cư trái phép.

Tổng thống El-Sisi khẳng định quyết tâm không để Ai Cập trở thành điểm trung chuyển của những người di cư bất hợp pháp tìm cách tới châu Âu.

Trong tháng 12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố nước này đang tiếp nhận khoảng 9 triệu người di cư và tị nạn và những người này có đầy đủ quyền tự chủ và được phép tiếp cận tất cả các dịch vụ cơ bản của Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục