Đánh bom liều chết tại Mali, 9 người thiệt mạng và 60 người bị thương

Giới chức địa phương cho biết vụ đánh bom liều chết xảy ra ở thị trấn Sevare đã phá hủy khoảng 20 ngôi nhà khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương.
Đánh bom liều chết tại Mali, 9 người thiệt mạng và 60 người bị thương ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhà chức trách Mali ngày 22/4 thông báo đã xảy ra vụ đánh bom liều chết tại thị trấn miền Trung nước này khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương.

Giới chức địa phương cho biết vụ tấn công xảy ra ở thị trấn Sevare. Vụ nổ đã phá hủy khoảng 20 ngôi nhà.

Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Mali thông báo quân đội nước này đã chặn đứng một vụ tấn công khủng bố cũng ở thị trấn Sevare.

Quân đội đã sử dụng máy bay không người lái tấn công phá hủy 3 chiếc ôtô chưa đầy chất nổ.

Trong tuần qua, ông Oumar Traore, Chánh Văn phòng của quyền Tổng thống Mali, cùng ba người khác bị sát hại trong một cuộc phục kích. Vụ phục kích xảy ra ở Nara - một khu vực nông thôn ở vùng Koulikoro Tây Nam Mali.

Nằm ở khu vực Tây Phi, Mali đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại miền Bắc đất nước trong suốt thập kỷ qua.

Các lực lượng phiến quân có quan hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm một vùng lãnh thổ đáng kể, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

[Vụ phục kích ở Mali: 4 cảnh sát thiệt mạng, 2 kẻ tấn công bị tiêu diệt]

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Mali đã phải đối mặt với hai cuộc chính biến do quân đội thực hiện, khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Mali đang chìm trong cơn khủng hoảng an ninh kéo dài gần 11 năm, bắt đầu từ khu vực phía Bắc, sau đó phát triển thành một cuộc nổi dậy thánh chiến toàn diện.

Xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Kể từ tháng 8/2020, Mali nằm dưới sự cai trị của quân đội, dẫn đến căng thẳng với đồng minh truyền thống là Pháp. Đồng thời, chính quyền quân sự Bamako xích lại gần hơn trong quan hệ với Nga.

Bạo lực chủ yếu ảnh hưởng đến trung tâm, cũng như phía Đông đất nước, sau đó đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

Làn sóng này cũng diễn ra ở phía Tây và đang lan rộng về phía Nam, gây báo động cho các nước láng giềng khác của Mali, bao gồm cả Senegal./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục