Đầu tư vào con người - chìa khóa giúp ASEAN phát triển bền vững

Thời gian qua, ASEAN đã vượt qua những thách thức khó khăn thông qua những nỗ lực phối hợp của chính phủ, công dân và khu vực tư nhân để từ đó thu hẹp khoảng cách trong phát triển nguồn nhân lực.
Đầu tư vào con người - chìa khóa giúp ASEAN phát triển bền vững ảnh 1Các tòa nhà ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Post số ra mới đây, các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và giảm đói nghèo đáng kể trong 20 năm qua.

Cam kết chính trị sâu sắc đối với các chính sách hiệu quả đã giúp hơn 100 triệu người thoát khỏi đói nghèo kể từ năm 2000.

Bên cạnh câu chuyện thành công về phát triển kinh tế của ASEAN, khu vực này vẫn còn một số lĩnh vực chưa nhận được sự đầu tư đúng mức, cần tiếp tục được các nhà lãnh đạo ASEAN quan tâm đầu tư và thúc đẩy hợp tác như giáo dục, phát triển kỹ năng và y tế.

Ngoài ra, một số vấn đề còn tồn tại là sự chênh lệch lớn về tuổi thọ, năng suất công việc và chất lượng giáo dục trên toàn khu vực.

Tại một số quốc gia, vẫn còn 40% trẻ em đang sống trong những gia đình thuộc diện nghèo nhất. Để tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng trong hai thập kỷ qua, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên đầu tư vào yếu tố con người - nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững.

Đây là một thách thức lớn về kinh tế và cũng là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo ASEAN. Một động lực lớn giúp ASEAN triển khai chính sách này là việc Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ thông qua các chương trình cung cấp dinh dưỡng, học tập, bảo trợ xã hội và y tế trên toàn khu vực với tổng vốn hơn 3 tỷ USD.

Trong tuần này, tại Bangkok, các bộ trưởng ASEAN sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao về phát triển nguồn nhân lực nhằm thảo luận cũng như đưa ra các cam kết mạnh mẽ để triển khai các giải pháp đạt hiệu quả.

Hiện nay, chi phí trung bình cho một đứa trẻ được sinh ra ở ASEAN chỉ bằng 56% so với một đứa trẻ sinh ra ở một quốc gia có hệ thống giáo dục và y tế hiện đại. Gần 1/3 trẻ em bị chậm phát triển do suy dinh dưỡng, khiến chúng có nguy cơ bị hạn chế về nhận thức và thể chất và có thể kéo dài suốt đời; 15% trong nhóm trẻ 15 tuổi sẽ không sống được đến 60 tuổi.

[ASEAN phát triển đúng hướng để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ]

Tử vong sớm gây ra chủ yếu bởi các bệnh không truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh hô hấp và tim mạch. Dân số ở một số quốc gia cũng đang già đi nhanh chóng, điều này làm tăng nhu cầu cần trợ cấp xã hội dưới hình thức chăm sóc sức khỏe và thu nhập.

Nhiều người lao động trong các nền kinh tế ASEAN chỉ có thể tìm được việc làm không ổn định, chất lượng thấp. Một tỷ trọng lớn lao động làm công ăn lương không được bảo hiểm theo hợp đồng làm việc và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp thường xuyên.

Điều này một phần là do sự tăng trưởng việc làm đang diễn ra ít hơn trong các lĩnh vực sản xuất chất lượng cao và nhiều hơn trong các dịch vụ lương thấp. Phụ nữ, người lao động lớn tuổi, dân tộc thiểu số và cư dân nông thôn có nhiều việc làm với chất lượng thấp, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Thời gian qua, ASEAN đã vượt qua những thách thức khó khăn thông qua những nỗ lực phối hợp của chính phủ, công dân và khu vực tư nhân để từ đó thu hẹp khoảng cách trong phát triển nguồn nhân lực.

Trong 30 năm qua, Thái Lan đã giảm tỷ lệ thấp còi từ 25% xuống còn 11%, nhờ việc triển khai các chương trình dinh dưỡng xuống cộng đồng và hướng đến các khu vực có mức độ nghèo đói cao.

Cách tiếp cận thành công về giáo dục, nước sạch và vệ sinh đã giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở nông thôn. Các đoàn tình nguyện viên y tế làng được đào tạo đã thực hiện các chương trình dinh dưỡng và theo dõi chương trình trong cả nước. Việt Nam cũng nổi bật trong khu vực với hệ thống giáo dục cơ bản chất lượng cao, đạt được thông qua cam kết mạnh mẽ để phát triển giáo dục và chi tiêu công đáng kể.

Điều này đã thu hút các nhà đầu tư cũng như có các chương trình hỗ trợ các giáo viên có trình độ đến công tác ở các trường mầm non ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các nhà quản lý giáo dục cũng thường xuyên tiến hành đánh giá, kiểm tra, giám sát để giáo viên và trường học có trách nhiệm với chất lượng giáo dục mà họ cung cấp.

Do vậy, làm thế nào để những người dân và trẻ em trong khu vực có thể đạt được kết quả tương tự như Thái Lan và Việt Nam? Đầu tiên, tìm chọn được chương trình phù hợp để sử dụng tài chính thật hiệu quả và phải cam kết kết quả cụ thể trong các chương trình.

Thứ hai, tài trợ cho y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội và mạng lưới an toàn xã hội có thể cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng ngân sách quốc gia. Việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề thấp thông qua chương trình giáo dục không chính thức cũng sẽ rất quan trọng.

Tuy nhiên, để cạnh tranh với thị trường lao động trong tương lai, người lao động sẽ cần các kỹ năng nền tảng vững chắc về toán học, ứng xử xã hội, kỹ năng nhận thức ở trình độ cao và kiến thức kỹ thuật số.

Để đạt được tất cả những điều này, sự liên kết và phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp chính quyền và các bộ ngành sẽ rất quan trọng, không chỉ đối với những người làm việc trong ngành giáo dục và y tế, mà còn cả các cơ quan phúc lợi xã hội, kế hoạch, nông nghiệp và thống kê, và một số lĩnh vực khác.

Những nỗ lực để thu hẹp khoảng cách nguồn nhân lực sẽ hiệu quả hơn nếu chúng được thực hiện với nguồn tài chính đầy đủ và quan trọng hơn nó được triển khai trong một môi trường chính sách cho phép.

Các quốc gia cần tối đa hóa việc sử dụng các công nghệ hiện đại để kết nối và cung cấp các dịch vụ xã hội trên quy mô rộng lớn. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực đủ mạnh, nếu không các quốc gia không thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, không có lực lượng lao động được chuẩn bị cho các công việc có tay nghề cao hơn trong tương lai, cũng như sẽ không thể cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ khi nào các nhà lãnh đạo ASEAN vượt qua những thách thức này, chừng đó mới có thể đảm bảo rằng đây là mô hình phát triển an toàn, bền vững và thịnh vượng trong tương lai cho tất cả người dân ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục