Để tiền hỗ trợ thuê nhà đến tay người lao động: Trên thông, dưới tắc

Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã xác nhận hơn 1,76 triệu người lao động thuộc diện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khi kết thúc tiếp nhận hồ sơ ngày 15/8 nhưng đến 25/8 mới chi hỗ trợ cho 839.859 người.
Để tiền hỗ trợ thuê nhà đến tay người lao động: Trên thông, dưới tắc ảnh 1Đoàn công tác của thành phố thực hiện kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phần mềm Moso, quận 10. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đến thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là địa phương cơ bản hoàn thành tiến độ thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện các thủ tục, tiến độ chi trả cho người lao động trên địa bàn còn chậm. Nhiều người lao động đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận hơn 1,76 triệu người lao động ở 39.706 đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khi kết thúc tiếp nhận hồ sơ ngày 15/8.

Tuy nhiên, công tác giải ngân đến ngày 25/8 chỉ mới chi hỗ trợ cho 839.859 người lao động ở 25.928 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 454 tỷ đồng, chiếm 46,87% so với dự toán kinh phí (sau điều chỉnh).

Qua đó cho thấy việc hoàn thành chi trả cho người lao động đúng mốc thời gian quy định (ngày 31/8) là khó khả thi.

Địa phương lúng túng, cá nhân ngại trách nhiệm

Lý giải nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết do số lượng doanh nghiệp, người lao động ở Thành phố rất lớn, địa phương cần có thời gian tổ chức thực hiện.

Đồng thời, việc phê duyệt hồ sơ của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chậm là do thông tin trùng lắp, hồ sơ còn thiếu sót.

Một số địa phương thận trọng nên mất nhiều thời gian rà soát, thẩm định khiến cho việc giải ngân chậm hơn so với dự kiến ban đầu…

[Gần 4 triệu hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà: Tăng tốc giải ngân]

Mặt khác, việc chậm chi trả còn có các nguyên nhân khác như: khâu xác minh từng hồ sơ của người lao động; việc nhập dữ liệu vào hệ thống cũng như một số khó khăn về thao tác trên phần mềm còn trục trặc.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, nộp gộp hồ sơ đổ dồn về những tuần cuối khiến gia tăng khối lượng công việc, trong khi nhân lực của các địa phương "mỏng."

Thực tiễn qua các cuộc đối thoại, đoàn kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều đơn vị, doanh nghiệp đọc và hiểu khác nhau các văn bản, hướng dẫn liên quan đến Quyết định 08 nên khi áp dụng vào thực tiễn có lúc, có nơi khác nhau.

Trong khi đó, việc xác định người lao động ở thuê trọ; doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng người lao động làm việc ở các tỉnh, thành phố khác; thời gian người lao động làm việc hay quay trở lại làm việc chưa đảm bảo (do trùng vào các ngày nghỉ lễ)… khiến cho nhiều địa phương, doanh nghiệp lúng túng.

Theo bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12, người lao động tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình nhưng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn cần kiểm tra kỹ, nhất là những trường hợp làm việc ở Quận 12 nhưng thuê trọ ở Tiền Giang, Bến Tre, Hà Nội để mở văn phòng đại diện...

Nếu người lao động ở trọ trên địa bàn quận, chỉ cần liên hệ phường sẽ xác nhận được ngay. Nhưng người lao động ở các địa phương khác ngoài Thành phố, cán bộ phải làm thêm một bước là gọi điện xác minh, đề phòng sai sót...

Cùng quan điểm, ông Phan Anh Nhân, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Tân Phú chỉ ra những bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là việc xác định địa phương thẩm định và ra quyết định chi hỗ trợ cho người lao động theo nơi tham gia Bảo hiểm xã hội hay thực tế nơi lao động.

Một khó khăn khác đã được địa phương đưa ra là việc giám sát, xác nhận kê khai, niêm yết công khai, công tác hoàn tất chi trả đúng ngày cho người lao động, công tác thanh quyết toán sau chi hỗ trợ cho người lao động ở tại doanh nghiệp…

Dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp và các văn bản chỉ đạo khẩn nhưng với nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả chủ quan và khách quan khiến tỷ lệ giải ngân ở Thành phố chậm so với hơn 1,7 triệu người lao động đề xuất hỗ trợ.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi như danh sách đối tượng được Bảo hiểm Xã hội xác nhận, có số tài khoản của người lao động.

Tuy nhiên, để đảm bảo đúng đối tượng, tránh sai sót, nhất là sau hậu kiểm, nhiều địa phương yêu cầu thêm thủ tục mới như giấy phép kinh doanh của chủ nhà trọ, đăng ký tạm trú tạm vắng của người lao động.

Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ còn lúng túng, chưa nắm vững để hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm… khiến việc giải ngân và chi trả tiền hỗ trợ còn chậm.

“Tối hậu thư” khơi thông ách tắc

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ xác nhận hồ sơ, cung cấp số tài khoản của người lao động thuộc diện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ.

Như vậy, việc nhanh hay chậm chi hỗ trợ cho người lao động thuộc chính quyền các địa phương thẩm định hồ sơ, ra quyết định chuyển kho bạc, doanh nghiệp để chi tiền theo quy định.

Để tiền hỗ trợ thuê nhà đến tay người lao động: Trên thông, dưới tắc ảnh 2Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, phát biểu tại buổi kiểm tra thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg tại quận 10. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn yêu cầu lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp và sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể chậm chi trả gói hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từ đơn vị, sở ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường người làm việc, thời gian làm việc; nhanh chóng thẩm định, phê duyệt hồ sơ và tiến hành chi kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo quy định trong tháng Tám.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chi hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm chắc tình hình, kịp thời giải thích, hướng dẫn, điều chỉnh đảm bảo đúng, trúng, nhanh. Đến nay, hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã huy động thêm tình nguyện viên là giáo viên, đoàn viên hỗ trợ xử lý hồ sơ; đồng thời, bố trí cán bộ làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nhiều địa phương ban đầu còn lúng túng bởi nhiều tình huống phát sinh từ thực tiễn, đến nay đã nhanh chóng điều chỉnh kịp thời; tập trung nguồn lực thúc đẩy công tác chi trả, hỗ trợ sớm đến tay người lao động.

Điển hình là huyện Củ Chi, tính đến ngày 25/8 đã thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 73.285 người lao động (của 1.096 doanh nghiệp) với tổng số tiền hỗ trợ hơn 38,42 tỷ đồng. Quận Bình Tân đã chi hỗ trợ cho 124.423 người lao động (của 1.883 doanh nghiệp) với tổng số tiền hơn 63,88 tỷ đồng; thành phố Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho hơn 209.599 người lao động (của 3.722 doanh nghiệp) với tổng số tiền hơn 105,24 tỷ đồng…

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân huyện Củ Chi, chia sẻ những thiếu sót thường gặp ở doanh nghiệp, người sử dụng lao động là kê khai các thông tin biểu mẫu số 2, số 3; đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp, người sử dụng lao động gửi hồ sơ quyết toán qua đường bưu điện cần có số điện thoại để tiện liên lạc, kiểm soát đúng, đủ hồ sơ, chứng từ quyết toán kinh phí.

Tại quận 10, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội có sáng kiến kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp có người lao động thuộc diện hỗ trợ thông qua mạng internet, nhóm zalo…

Nhờ đó, chính quyền địa phương tiết kiệm được công sức, thời gian trong việc triển khai các chính sách, văn bản, hướng dẫn liên quan đến gói hỗ trợ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận 10, chia sẻ ngoài ra, mọi thắc mắc, sai sót hay kinh nghiệm trong quá trình kê khai biểu mẫu, xác nhận, phương thức nộp chứng từ được chia sẻ trên nhóm này để mọi người tham khảo. Qua đó, công việc triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Đến nay, nhiều địa phương có tiến độ giải ngân nhanh và đạt gần 100% như: huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, quận 5, quận 8. Nhiều địa phương có tốc độ giải ngân chậm đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn như làm ngoài giờ, những ngày cuối tuần để hoàn thành đúng tiến độ Thành phố yêu cầu.

Kết quả tuy khả quan song ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, lưu ý khâu thẩm định, rà soát của địa phương để hạn chế thấp nhất sai sót, bỏ lọt đối tượng; tổ chức sắp xếp công việc, bố trí nhân sự hợp lý để đẩy nhanh tiến độ; sớm thực hiện cập nhật dữ liệu dân cư để chuyển sang cơ quan công an đối chiếu, rà soát; tăng cường xác nhận nhanh hồ sơ đã gửi nhưng chưa được duyệt, đồng thời khẩn trương giải ngân và thực hiện giám sát doanh nghiệp chi trả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục