Đề xuất hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân

Đoạn đường sắt khu vực đèo Hải Vân đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn công trình và an toàn chạy tàu.
Đề xuất hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân ảnh 1Đoàn tàu chạy qua khu vực đèo Hải Vân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai đầu tư, nâng cấp gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (tên quốc tế là Sơn Ca).

Theo lãnh đạo VNR, do ảnh hưởng từ cơn bão Sơn Ca ngày 14/10 nói riêng và mưa bão thường xuyên hàng năm gây sạt lở, phá hoại kết cấu nên hạ tầng đường sắt trên khu vực đèo Hải Vân vốn đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức, lại càng dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn công trình và an toàn chạy tàu.

Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị có liên quan (Cục Đường sắt Việt Nam, VNR, các đơn vị đường sắt...) đã kiểm tra hiện trường, đánh giá hiện trạng chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, xác định thiệt hại, hư hỏng khu vực đèo Hải Vân.

Kết quả kiểm tra cho thấy trên đoạn tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đã xuất hiện khoảng 20 điểm sạt lở gây hư hại kết cấu hạ tầng đường sắt và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khai thác nếu không được sửa chữa, gia cố kịp thời.

[Mưa lũ miền Trung khiến đất đá đổ tràn đường ray, tàu Bắc-Nam tê liệt]

Để đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao hiệu quả khai thác, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng xem xét, ưu tiên bố trí khoảng 1.332 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các công trình khu vực đèo Hải Vân gồm gia cố mái taluy các đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây mất an toàn (20 vị trí); cải tạo đường sắt trên tuyến, đường ga (16,31km); cải tạo công trình cầu (15 cầu, tổng chiều dài 358m); cải tạo 3 hầm với tổng chiều dài 1.667m.

Trong giai đoạn trước mắt, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để ưu tiên đầu tư một số vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao như gia cố mái ta luy, sửa chữa cải tạo môt số cầu, cống bị hư hỏng, sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế kiến trúc tầng trên một số vị trí… nhằm đảm bảo an toàn khai thác với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng và giao cho Tổng công ty triển khai thực hiện trong các năm 2023-2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục